Chuyện về cố danh họa Trần Văn Cẩn

Trong ký ức của Đoàn Văn Nguyên, danh họa Trần Văn Cẩn là một nhân cách tuyệt vời: “Ngoài đời, thầy Cẩn sống giản dị, rất giản dị. Chưa bao giờ tôi nghe thầy mắng ai, cũng chưa bao giờ tôi thấy thầy cáu với ai. Ông sống từ tốn, phúc hậu, điềm đạm, chuyện trò sôi nổi nhưng rất nhỏ nhẹ, như con gái. Tôi vẫn nhớ giọng nói khe khẽ của thầy… Thầy là một nghệ sỹ mẫu mực về tư cách, lại giỏi chuyên môn, không hám vật chất, một “đỉnh cao”…”. Để minh chứng phần nào cho những điều vừa nói, họa sỹ Đoàn Văn Nguyên hỏi tôi: “Thầy Cẩn giữ cương vị Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội 15 năm, 25 năm làm Tổng thư ký Hội Mỹ thuật (1958-1983), Chủ tịch Hội nghệ sỹ tạo hình Việt Nam (1983-1989) mà không xảy ra bất cứ điều tiếng nào. Mấy người được như vậy?”. Và câu chuyện về một trong bộ tứ danh họa được nhà giáo ưu tú, họa sỹ Đoàn Văn Nguyên kể qua dòng hồi ức suốt buổi trưa Hà Nội nắng gắt chuẩn bị đón một chiều mưa giông.

“Tôi học với thầy Cẩn 7 năm. Cô Giáng Hương trực tiếp giảng dạy, khi đó rất thiếu giáo viên nên cô Hương vừa làm tốt nghiệp vừa dạy, dưới sự chỉ đạo của thầy Cẩn. Thỉnh thoảng thầy Cẩn xuống lớp xem vì thầy thích trẻ con. Chúng tôi khi ấy mới 13-14 tuổi. Sau khi ra trường và đã trở thành giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tôi vẫn có cơ hội được thầy chỉ dạy. Thời bà Trần Thị Tâm Đan giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, có tổ chức một cuộc thi vẽ, chọn tác phẩm đặt ở phòng khách của Ủy ban. Khi đó tôi cũng tham gia và được thầy Cẩn chọn phác thảo Văn Miếu Quốc Tử Giám. Thầy chỉ đạo cho tôi vừa làm sơn mài vừa làm sơn gỗ, nguyên văn thế này: “Có chỗ khắc xuống, có chỗ mài”. Dạo ấy tôi hay được đi theo thầy để lĩnh hội ý kiến của các lãnh đạo về tác phẩm được chọn… Nhưng vì lý do nào đó mà tác phẩm của tôi sau đó lại bị loại. Chính thầy Cẩn cũng bất ngờ và thất vọng về kết quả này. Nhưng tôi nghĩ: Nếu người ta đã loại, sao không tự bỏ chi phí để làm một bức cho mình? Bức Văn Miếu Quốc Tử Giám được ra đời như thế. Đến nay, nó vẫn là một trong những tác phẩm ưng ý của tôi”.

tranh-tran-van-can-3269.jpg
Những tác phẩm của cố danh họa Trần Văn Cẩn được họa sỹ Đoàn Văn Nguyên chụp lại

Mối duyên của họa sỹ Đoàn Văn Nguyên với danh họa vẫn nối dài sau cuộc thi tranh. Bởi ông và nhà điêu khắc Trần Thị Hồng, phu nhân của cố danh họa có mối quan hệ thân thiết. Họ cùng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, cùng là học trò của thầy Cẩn, nhà điêu khắc học trên Đoàn Văn Nguyên một khóa. “Thầy mải mê với hội họa nên chuyện vợ con muộn màng. Những năm 60, thầy đẹp, cao lớn như tây, tính tình lại hiền, trò nào cũng mến thầy, nhất là phụ nữ. Chị Hồng cảm mến thầy từ những năm còn ở trong trường nhưng tình cảm cứ âm thầm vậy. Ngay cả khi chị ấy được chọn vào chuyên ngành điêu khắc, thầy Cẩn vẫn làm hiệu trưởng thì… cũng chưa có gì. Sau khi tốt nghiệp ngành điêu khắc, chị Hồng sang Vụ Mỹ thuật công tác. Tôi cũng biết mối tình đầu của chị nhưng không đi đến đâu. Khi chị khoảng 25 tuổi thì phải, chị mới ngỏ lời với thầy. Chị đến nơi thầy ở nấu ăn cho thầy, làm mẫu cho thầy vẽ… Chuyện tình cảm của thầy Cẩn và chị Hồng từng bị phản đối quyết liệt. Họ lệch tuổi tác, thầy tiếng tăm lừng lẫy, còn chị Hồng lại từng là học trò. Nhưng hai người vẫn quyết tâm bên nhau. Họ đăng ký kết hôn. Chuyện tình của danh họa và nhà điêu khắc chứng minh sự chênh lệch tuổi tác, chênh nhau trên 30 tuổi, không phải là rào cản của tình yêu, của hôn nhân”. Về nhan sắc của phu nhân cố danh họa thời trẻ, họa sỹ Đoàn Văn Nguyên ca ngợi: “Trẻ, đẹp, tràn trề nhựa sống”.

“Chút quà mọn” dành tặng bạn đời

Danh họa Trần Văn Cẩn và nhà điêu khắc Trần Thị Hồng không có con chung. Nhưng họ sống với nhau êm thấm suốt hơn 20 năm trời. Trước khi ra đi, danh họa Trần Văn Cẩn đã để lại toàn bộ gia tài hội họa cho người vợ yêu. Ông coi gia tài hội họa giàu có và đắt giá của mình chỉ như “chút quà mọn” mong người nâng khăn sửa túi cho ông nhận giùm.

Nhà điêu khắc Trần Thị Hồng ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo, ung thư. “Khi thầy Cẩn đã mất, chị Hồng sống đạm bạc vì không bán tranh. Khi chị lâm bệnh nặng mới phải tính chuyện bán tranh. Chính tôi đã dẫn người đến mua tranh cho chị. Một đại gia đến mua tranh Trần Văn Cẩn, ban đầu định mua nhiều nhưng sau chỉ chọn bức vẽ Cụ Hồ, với giá 16.000 đô. Hồi ấy 16.000 đô to lắm”. Phu nhân Trần Văn Cẩn hiểu rõ giá trị của những “đứa con tinh thần” mà chồng để lại. Họa sỹ Đoàn Văn Nguyên tiết lộ, tại thời điểm đó đã có bức tranh nude được phu nhân cố danh họa ra giá 1 triệu đô, cũng với một vị khách do Đoàn Văn Nguyên dẫn đến.

Dù đã cố gắng chạy chữa, song bệnh của phu nhân cố danh họa ngày càng nặng thêm. Bà biết trước sự ra đi của mình. Mọi ước nguyện trước lúc ra đi của nhà điêu khắc đều hướng về người chồng đã khuất: Muốn thành lập bảo tàng và quỹ mang tên Trần Văn Cẩn, rồi làm toàn tập Trần Văn Cẩn. “Chúng tôi đã bàn chán về cái quỹ rồi. Định bán tranh để làm quỹ ủng hộ cho những tài năng trẻ của hội họa Việt. Định thế nhưng chưa viết thành văn bản. Một buổi chiều, chúng tôi bàn xong chuyện, định viết thành văn bản thì chị ấy kêu mệt, bảo sáng mai viết nhưng sáng hôm sau chị ấy đã ra đi”, họa sỹ Đoàn Văn Nguyên bồi hồi nhớ lại. Chính Đoàn Văn Nguyên cùng vài người nữa lãnh trọng trách kiểm kê kho tranh còn lại của cố danh họa Trần Văn Cẩn sau khi điêu khắc gia Trần Thị Hồng nằm xuống: “Khoảng hơn ngàn ký họa, gần 1.600 ký họa thì phải, 60 tranh sơn dầu, 2 tranh sơn mài. Ký họa của thầy đẹp lắm. Chúng tôi có cả biên bản kiểm kê tranh”.

Ước nguyện không thành

Sinh thời, phu nhân của cố danh họa nâng niu từng “đứa con tinh thần” của chồng: “Chị ấy lấy từng bức bo lại, đóng khung, thậm chí cho vào két sắt khóa cẩn thận”, họa sỹ Đoàn Văn Nguyên kể. Cũng có một số bức tranh của cố danh họa chưa được ký tên (điều này cũng xảy ra ở một vài tên tuổi đã khuất khác): “Chị Hồng gọi tôi đến giúp làm chữ ký của thầy Cẩn. Tôi mang sơn mài ra, mang vàng bạc đến, can chữ ký của thầy… làm tỉ mẩn suốt mấy ngày”. Họa sỹ chuyên dòng sơn mài cũng là người phục chế bản can “Mùa đông sắp đến” của danh họa: “Vì bản can bị rách, chị Hồng gọi tôi sang giúp. Tôi sang, làm mất mấy ngày. Bản can ấy sau đó được mua bởi một nhà sưu tập lớn, với giá 8.000 đô, bản thật nằm trong bảo tàng”. Tôi hỏi Đoàn Văn Nguyên: “Mỗi lần đưa khách đến mua tranh ông có được phu nhân cố danh họa “bồi dưỡng”?”. Họa sỹ cười: “Chị đưa tiền cho tôi, tôi không nhận, bảo chị dùng tiền ấy hương khói cho thầy giúp tôi”.

Khi còn sống cố danh họa thích bán tranh cho Nhà nước: “Thầy là người của Nhà nước, của Nhân dân, của Nghệ thuật. Thầy muốn tranh của mình ở Bảo tàng nước mình. Sau này, chị Hồng thấy giá tranh thấp quá nên mới bán cho tư nhân. Tôi cũng vinh dự từng được triển lãm chung với thầy. Thầy lại chấm luôn bức của tôi cho bảo tàng”. Trong mắt của Đoàn Văn Nguyên, cố danh họa giỏi chuyên môn toàn diện: “Thầy đạt tới đỉnh cao trên tất cả các chất liệu, từ sơn dầu, sơn mài, lụa, ngay cả khắc gỗ cũng giỏi”. Riêng về “Em Thúy”, Đoàn Văn Nguyên vô cùng cảm phục thầy: “Đó là bức chân dung đẹp nhất Việt Nam”. Tôi lại hỏi: “Có bao giờ danh họa lấy tác phẩm “Em Thúy” để dạy học trò?”. Đoàn Văn Nguyên lắc đầu: “Không. Thầy Trần Văn Cẩn không bao giờ nói về tác phẩm của mình, cũng không bao giờ nhận vẽ hay, vẽ giỏi”. Câu hỏi nhiều người quan tâm: “Gia tài” hội họa sau khi phu nhân cố danh họa qua đời đã thuộc về ai, bán cho ai và bán được bao nhiêu? Họa sỹ Đoàn Văn Nguyên tiết lộ: Theo ông tìm hiểu gia tài tranh quý chỉ bán được hơn 4 triệu đô cho một doanh nhân lớn. Người em cùng cha khác mẹ của điêu khắc gia Trần Thị Hồng được hưởng “món quà mọn” mà cố danh họa trao gửi bạn đời. “Số tiền bán tranh quá nhỏ so với lượng tác phẩm quý để lại. Tranh cũng “bay” mà quỹ Trần Văn Cẩn không được ra đời”, học trò của cố danh họa, người được cố phu nhân của danh họa tin tưởng nói trong tiếng thở dài…

Họa sỹ Đoàn Văn Nguyên chia sẻ thêm: Cũng có một người nhận là con trai riêng của cố danh họa. Cố danh họa được cho là có con riêng trong hoàn cảnh sơ tán ở Bắc Giang thời chống Pháp. Sinh thời, điêu khắc gia Trần Thị Hồng đã phủ nhận chuyện này. Sau khi phu nhân cố danh họa ra đi, người nhận là con riêng của cố danh họa đã đòi quyền thừa kế. Nhưng bên được hưởng thừa kế đã xoa dịu người này bằng cách đưa cho một khoản tiền lớn. Đoàn Văn Nguyên đã từng đến nhà của người nhận là con riêng Trần Văn Cẩn. Ông xác nhận, vị này có thờ Trần Văn Cẩn.

Cứu trò thoát án kỷ luật

“Một đợt thầy Cẩn dẫn học trò đi thực tập ở Quảng Ninh. Đây là vùng đất nhiều dấu ấn với cố danh họa, giúp ông có nhiều sáng tác hay như “Nữ dân quân vùng biển”, “Bến thuyền”, “Bác thợ lò”… Trong tốp học trò đi thực tập đợt ấy có họa sỹ Huy Oánh. Huy Oánh được phân ở trên gác của một nhà tập thể, cạnh đó có chỗ tắm công cộng, công nhân đi về thường đến đó tắm. Đứng ở trên gác, Huy Oánh chứng kiến tất cả, ông ký họa, thấy chưa đã bèn vẽ luôn. Chính vì những ký họa và tranh nude này mà trò Huy Oánh bị đánh giá sai quan điểm, sai đường lối... Lúc đó, hiệu trưởng Trần Văn Cẩn vắng mặt. Khi thầy trở lại trường, thầy đã mời hội đồng lập biên bản thi hành kỷ luật trò Huy Oánh đến và nói: Tranh của Huy Oánh đẹp nhất trong đám tranh của trò trong đợt thực tập. Trò vẽ cảnh tắm trần là để khoe vẻ đẹp cường tráng của công nhân, chứ không có gì đáng kỷ luật. Thế là trò “thoát” án, sau này trở nên nổi tiếng. Chuyện này không chỉ riêng tôi biết”, Họa sỹ Đoàn Văn Nguyên kể và kết luận: “Ngay từ những năm ấy, thầy đã có quan niệm cởi mở, hiện đại, nhân văn với tranh nude”.



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn