TP.Hồ Chí Minh: Bệnh viện điều trị ung thư tuyến cuối “cầu cứu”

Vừa qua, Đoàn công tác Ban văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân TPHCM có buổi giám sát tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã phải “giật mình” vì là bệnh viện tuyến cuối nhưng nhiều vấn đề như: Nhân lực, trang thiết bị y tế, công tác bảo trì, bảo dưỡng... đang khẩn cấp “cầu cứu”.

Xem thêm: Một tuần, 4 ca tử vong vì sốt xuất huyết ở bệnh viện tuyến cuối

TP.Hồ Chí Minh: Bệnh viện điều trị ung thư tuyến cuối “cầu cứu”
Bệnh nhân xếp hàng khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 1). Ảnh: N.Ly

Mức lương “cầm hơi” tại thành phố đắt đỏ 

Bệnh viện Ung bướu TPHCM là một trong những bệnh viện tuyến cuối của thành phố, điều trị ung thư cho hàng nghìn bệnh nhân mỗi ngày đến khám và điều trị. Áp lực quá tải đối với những nhân viên y tế ở đây là rất lớn. 

Tuy nhiên, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM -  cho biết, với số nhân sự hiện có là 1.596 người, trong đó có 432 bác sĩ và 640 điều dưỡng làm việc liên tục bất kể ngày đêm theo phân công của bệnh viện.

Sau thời gian chống dịch, hiện nay bệnh viện đã dần phục hồi toàn bộ công suất hoạt động so với trước dịch. Với đặc thù bệnh nhân đông, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đi vào hoạt động với hy vọng cải thiện chất lượng khám chữa bệnh ung thư. Và có 800 nhân viên y tế của bệnh viện cũng chuyển xuống cơ sở 2 để làm việc. Từ đầu năm 2022 đến nay, tiếp tục đã có hơn 60 người xin nghỉ việc.

Khi Đoàn giám sát của HĐND TPHCM đến làm việc với bệnh viện, đã rất bất ngờ với mức lương của nhân viên y tế tại đây. 

Cụ thể, trong năm 2021, thu nhập bình quân của nhân viên Bệnh viện Ung bướu TP là 8.098.642 đồng/người/tháng. Dịp Tết Nguyên đán năm 2022, mỗi người được hỗ trợ thu nhập tăng thêm là 7.500.000 đồng. 

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng đoàn giám sát của HĐND TP bất ngờ và cho biết: “Tính cả tiền Tết cũng không nổi bình quân 9 triệu đồng/tháng, thực sự chúng tôi rất sốc với mức thu nhập của một bệnh viện chuyên sâu”.

Cũng như nhiều “cơn bão” mà ngành y tế gặp phải sau dịch COVID-19 như: Trang thiết bị y tế, chi phí vận hành, bảo trì… Bệnh viện Ung bướu TPHCM còn tiếp tục đối mặt thêm các khó khăn khác như thiếu hụt nguồn nhân sự, thuốc men...

Ghi nhận thêm tại bệnh viện, có nhiều nhân viên tế sống ở các quận, huyện xa như Củ Chi, mỗi ngày đi 30km để làm việc. 

“Để chia sẻ với anh em, bệnh viện chi thêm 1 triệu đồng/tháng/người cho 800 nhân sự đang công tác tại cơ sở 2 ở Thủ Đức”, bác sĩ Thịnh nói thêm. 

Bệnh viện Ung bướu cần hỗ trợ để hoạt động cơ sở mới 

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Thành viên Đoàn công tác Ban văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân TPHCM cho biết, sau khi kiểm tra thực tế cho thấy, Bệnh viện Ung bướu gặp nhiều khó khăn. Theo kế hoạch tháng 9 sẽ dọn về cơ sở 2 hoàn toàn, nhưng hệ thống trang thiết bị y tế cần được bổ sung và bảo dưỡng vẫn chưa có nguồn kinh phí để làm. Muốn bệnh viện hiện đại mà không có nguồn kinh phí hỗ trợ thì rất khó. 

Đối với vấn đề cơ cấu giá dịch vụ của ngành y tế, Bộ Y tế hiện nay mới cơ cấu được 3 thành phần trong tổng số 5 thành phần giá dịch vụ. Trong đó, hai cơ cấu giá được đưa vào là chi phí quản lý và chi phí khấu hao, hai nội dung này quan trọng nhưng không có đầu tư thì rất khó để hoạt động hiện đại được.   

“Bệnh viện nếu hoạt động khó khăn thì những người chịu ảnh hưởng lớn nhất là người dân, đặc biệt là người bệnh ung thư”, bác sĩ Tuyết nhấn mạnh. 

Liên quan đến cung ứng thuốc, Bệnh viện Ung bướu TPHCM thường xuyên không có nguồn cung với các thuốc hiếm trị ung thư như Vinblastin, Dactionmycin… Để thích ứng, bệnh viện phải chuyển phác đồ khác thay thế cho người bệnh. 



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn