Đề xuất giải pháp cứu nguy Đà Lạt

Từ sau năm 2000, dân số Đà Lạt tăng nhanh, khách du lịch ngày một đông. Nhà dân ban đầu chạy dọc theo mặt phố ở nơi cao theo quy hoạch, rồi các hộ đến sau làm nhà lan dần xuống nơi thấp, xuống chỗ trũng. Xây nhà đổ đất tôn cao nền, bê tông hóa bề mặt, tất cả các dòng suối bị nhà lấn ra thu hẹp dòng chảy.

Cộng thêm vào đó là rác thải nông nghiệp, rác thải xây dựng lẫn sinh hoạt ở những hộ sinh sống, canh tác khu vực ven suối xả thẳng xuống lòng suối cản dòng chảy, trong khi hệ thống thoát nước chưa đồng bộ. Khu vực quanh dòng suối chảy qua khu vực đường Vạn Kiếp và Phan Đình Phùng, thường xuyên bị ngập nặng mỗi khi mưa lớn.

Theo quan sát, suối rất nhiều rác và nhiều đoạn bị thu hẹp chỉ còn khoảng 1,5m. Thêm nữa là các hồ chứa nước cũng bị thu hẹp diện tích, bồi lắng đáy hồ như Vạn Kiếp, Thanh Niên, Tâm Sự, Đa Thiện 1, Đa Thiện 2... cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thoát nước không kịp mỗi khi mưa lớn. Như vậy là các rổ chứa nước (water basket) bị lấp mất, nước không chảy xuống dưới do các dãy nhà chặn ngang lại, nước không thấm do bê tông hóa mặt đất.

Như thế, hình thái thoát nước tự nhiên được hình thành từ hàng trăm năm trước bị mất đi, và hệ quả là nước dồn vào phía trong gây ngập khu vực trung tâm. Ngoài ra, phải kể thêm, ngày xưa Đà Lạt không bao giờ bị ngập là nhờ vành đai xanh ở các thung lũng bao quanh. Từ 10 năm trở lại đây, hàng trăm nghìn trang trại, nhà kính mọc lên làm cho vùng chứa nước này bị vô hiệu hóa, nhất là vùng nông nghiệp dọc hai bên suối Cam Ly.

Từ phía hồ này ngược lên thượng nguồn, hàng nghìn ha đất hai bên suối được người dân “phủ bạt” kính để sản xuất nông nghiệp. Cuối thập niên 1990, Đà Lạt chỉ có rải rác một số nhà kính, hiện nay diện tích các nhà kính tăng lên khoảng 10.000 ha trong tổng số 18.000 ha trồng rau quả. Nhà kính tập trung ở tất cả phường xã, thậm chí một số nơi trong nội thành có mật độ nhà kính dày đặc như phường 5, 7, 8, 9, 11, 12. Nhìn từ trên cao, không gian thành phố bị nhà kính lấn át, rừng thông chỉ còn lác đác một số cụm ở ngoại ô.

“Còn nước còn tát”

Có ý kiến cho rằng cần phải nhanh chóng phá bỏ toàn bộ nhà kính, nhà bạt ở các vùng trũng trả lại túi chứa nước cho Đà Lạt, nhưng e không thể làm được. Cho đến nay, Đà Lạt mới tháo dỡ gần 71,6 ha diện tích công trình, nhà kính, nhà lưới. Các công trình này làm trên đất quy hoạch lâm nghiệp, không phải đất nông nghiệp nên cưỡng chế tháo bỏ được.

Còn trên đất quy hoạch nông nghiệp là không thể vì không có cở sở pháp lý để thực hiện. Người dân canh tác hợp pháp trên đất của họ, không vi phạm đất công và nhà kính là tài sản riêng. Hơn nữa, cùng với du lịch, nông nghiệp là một trong hai thế mạnh nhất của Đà Lạt được khuyến khích phát triển. Nếu phá bỏ hệ thống nhà kính là nông nghiệp trồng rau, trái, hoa lao đao ngay, trong đó có không ít nhà kính của các tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Hà Lan.

ad9a8b31-7d42-430d-b727-d9bfe15e557e.jpg
10 năm trở lại đây, mỗi lần mưa to thì thành phố núi đồi Đà Lạt ngập nặng.  Ảnh: TL

Do vậy, việc quan trọng có thể làm được lúc này là khơi thông dòng chảy từ nơi bị ngập xuống các vùng trũng, tháo bỏ phần công trình nhà ở lấn chiếm hành lang suối như Cam Ly và các mương hở;  nạo vét các mương dẫn và nạo sâu các hồ Vạn Kiếp, Thanh Niên, Tâm Sự, Đa Thiện 1, Đa Thiện 2... để tăng sức chứa. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất là Đà Lạt phải tìm đất để đào hồ điều tiết. So với các thành phố lớn thì vùng ngập của Đà Lạt không lớn bằng, cho nên chỉ cần đào 1-2 hồ điều tiết rộng chừng 2-3 ha là đủ, hồ điều tiết này chính là nơi chứa nước tạm trong những cơn mưa lớn và sau đó có thể tái sử dụng như tưới cây, rửa đường.

Ở các vùng đất có nhà kính có hệ số thấm nước bằng không, tức mưa đổ xuống thì rơi trên những tấm ny lông không thấm vào đất giọt nào, chính quyền Đà Lạt cần nghiên cứu đưa ra quy định các khu nhà kính này cần có hố chứa nước mưa theo từng thửa lớn hoặc liên thửa, không để nước mưa chảy tràn tự do ra suối kéo theo rác thải, làm tắc dòng chảy của suối, mương.

Đà Lạt thay đổi như hiện nay là không ổn, thành phố cần nhanh chóng loại bỏ các nguyên nhân đưa đến hệ quả tiêu cực để giữ được sức hấp dẫn của một thành phố nổi tiếng với thông, sương mù, lạnh giá và vẻ đẹp riêng có của nó.



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn