“Ông trùm” tại Bình Thuận?
Rạng Đông Group kinh doanh nhiều lĩnh vực. Trong giới doanh nghiệp Bình Thuận, Tập đoàn Rạng Đông được xem như "ông trùm", bởi hầu hết các dự án lớn ở địa phương đều có bóng dáng của doanh nghiệp Rạng Đông - điều mà nhiều người cho rằng như một sự hiển nhiên.
Bằng chứng là trong lĩnh vực xây lắp, Tập đoàn Rạng Đông là chủ đầu tư dự án BOT cầu Phú Hài, bắt đầu thu phí từ tháng 5/2004 và dự kiến kéo dài tới tháng 10/2021 nhưng đã xin dừng thu phí trước hạn 4 năm.
Một góc Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết - nơi Bộ Công an vừa có kết luận định giá lên tới gần 2.900 tỷ đồng, nhưng tỉnh Bình Thuận chỉ thu hơn 900 tỷ đồng. |
Công ty con của Rạng Đông là Công ty TNHH MTV Xây dựng Cơ bản Rạng Đông cũng là một trong những nhà thầu lớn tại địa phương. Doanh nghiệp đã trúng rất nhiều gói thầu có vốn đầu tư công như xây lắp toàn bộ công trình (không bao gồm phần lắp đặt điều hòa) thuộc dự án Xây dựng mới Trụ sở làm việc Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận với giá trúng thầu hơn 100 tỷ đồng, Công viên Võ Văn Kiệt, quốc lộ 55…
Trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Rạng Đông là chủ đầu tư một loạt dự án như: Khu phức hợp nghỉ dưỡng Sea Links City rộng 167 ha ở Phan Thiết, Khu dân cư Rạng Đông rộng 8ha thuộc địa bàn xã Hàm Liên huyện Hàm Thuận Bắc, Khu công nghiệp Sông Bình quy mô 300ha tại xã Sông Bình huyện Bắc Bình.
Trong lĩnh vực khai khoáng, ngoài mỏ titan Nam Suối Nhum vừa xảy ra sự cố, Tập đoàn Rạng Đông còn là chủ đầu tư dự án Khai thác khoáng sản cát bồi nền Hàm Kiệm 4, trữ lượng hơn 100.000 m3; khai thác khoảng sản mỏ đá xây dựng Tân Hà (xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận)…
Ở lĩnh vực tài chính, Tập đoàn Rạng Đông được biết đến là cổ đông lớn, nắm giữ 9,34% cổ phần Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietABank), từ cuối năm 2015. Trên giấy tờ, số lượng cổ phiếu nắm giữ khi đó của Rạng Đông chỉ đứng ngay sau Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group). Hồi cuối tháng 8/2021, Rạng Đông đã giảm tỷ lệ sở hữu ở VietABank xuống còn 21,72 triệu cổ phiếu (4,88% vốn điều lệ).
Trụ sở mới của Tập đoàn Rạng Đông đang được xây tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. |
Ngoài ra, hệ sinh thái của Tập đoàn Rạng Đông còn nhiều cái tên khác đáng chú ý như: Công ty TNHH MTV Sealinks City, Công ty Khu nghỉ mát Phan Thiết, Công ty CP Khoáng sản Sông Bình, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Đại Phúc, Công ty TNHH Tư vấn Tài chính và Bất động sản Toàn Cầu, Công ty TNHH B.O.T Cảng hàng không Phan Thiết, Công ty CP Đầu tư tổng hợp Long Sơn, Công ty CP Đầu tư Thương mại Quang Minh, Công ty TNHH Khoáng sản Rạng Đông, Công ty CP Tổng hợp Sunrise…
Trong 9 dự án tại Bình Thuận mà C01 - Bộ Công an đang thụ lý giải quyết nguồn tin tội phạm về vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đất đai và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì có đến 4 dự án của Tập đoàn Rạng Đông, gồm: Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, dự án Sea Links Mũi Né, Khu du lịch Xuân Quỳnh ở phường Mũi Né, dự án rừng dầu Hồng Liêm ở xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc.
Nguồn: Vietbao