Vào rừng già thuần phục ong tử thần

Để đến được “lãnh địa” ong bắp cày, anh Luật phải băng qua cánh rừng ngút ngàn keo, rồi lội suối khoảng một giờ nữa mới tới nơi. Anh bảo: “Ong bắp cày sinh trưởng và phát triển chủ yếu vào mùa xuân và mùa hè. Còn thời điểm này, khi trời bắt đầu có gió lạnh, chỉ những con ong cái là bay khỏi tổ để kết đôi trước khi ngủ đông, nên việc săn ong cũng gian nan hơn nhiều”.

Tiếng động vù vù lẫn trong tiếng lá cây lao xao, chỉ thấy anh Luật thả phịch túi đồ nghề xuống đất rồi thoăn thoắt tiến về phía rậm cây theo đường bay của con côn trùng. Sau hồi lần tìm theo trực giác nghề nghiệp, từ trong bãi cỏ rậm rạp, một tổ bắp cày ẩn mình ngay dưới gốc keo già đã bị anh phát giác. Đánh dấu tổ ong xong, anh tiếp tục tiến sâu vào rừng già, vừa chăm chú theo dõi những khe nước vắt ngang, vừa khum tay che nắng. “Những khu vực gần khe, suối, nhiều hoa trái, côn trùng là nơi ở, săn mồi ưa thích của loài ong bắp cày nên thường sẽ có vài tổ ong ẩn nấp quanh đây”, anh Luật cho hay.

Vào rừng già thuần phục ong tử thần - 3

Anh Luật chăm sóc tổ ong bắp cày

Sau nửa ngày trời căng mắt lần tìm trong bạt ngàn cây rừng, đánh dấu các tổ bắp cày đã tìm thấy, mặt trời đứng bóng cũng là lúc anh Luật thực hiện ngón nghề bắt ong. Dù đã rất quen với công việc này, nhưng anh chẳng dám chủ quan, cẩn thận chuẩn bị tư trang. Mũ lưới trùm mặt, găng tay, ủng cao su, quần áo được làm từ vải cao su, cuốc thuổng, bao lưới,... anh mang chẳng thiếu thứ gì. Không chọn cách hun khói để ong bay ra tổ, anh Luật phết mật ong vào bông hoa chuối dụ ong ra hang săn mồi. Nhìn đàn ong ùa ra khỏi tổ như vỡ trận, con nào cũng to gần bằng hai đốt tay người trưởng thành, chỉ nguyên việc bị chúng bu kín mặt, lộ rõ cặp răng to nhọn đang tìm cách cắn xé chiếc mũ lưới thôi đã là cả một sự gan dạ. Vậy nhưng anh Luật vẫn bình tĩnh bới đất, tổ ong to gần bằng chiếc nồi cơm điện được nhẹ nhàng đặt vào bao lưới, vận chuyển ra khu vực chăm nuôi ong của mình ở bìa rừng. Sau đó anh cẩn trọng chôn tổ xuống mặt đất, dựng mái che mưa để thuận tiện trong việc theo dõi, chăm sóc chúng. Loài ong đất có tập tính đánh dấu lãnh thổ bằng mùi đặc trưng của mình nên dù có bay đi đâu chúng cũng sẽ tìm được đường về.

Ong bắp cày được mệnh danh là loài côn trùng sát thủ. Chúng to gấp ba lần con ong mật. Ngoài chiếc vòi cực độc có một không hai (được ví độc hơn cả nọc độc rắn hổ mang) ong bắp cày còn có cặp răng to, sắc nhọn dùng để cắn xé khi đánh nhau và săn mồi. Thức ăn của chúng chủ yếu là côn trùng, nhựa cây và mật từ các đàn ong mật. Ong bắp cày thích sống ở các ngọn núi, khu vực rừng rậm, ẩm ướt, tổ của chúng thường nằm dưới lòng đất nên rất khó để phát hiện.

Trong khi tổ ong vò vẽ chỉ có giá 180.000 đồng/kg và khoảng 250.000- 300.000 đồng/kg nếu lấy riêng nhộng thì tổ ong bắp cày có giá gấp hai lần với khoảng 300.000 đồng/kg tổ và khoảng 600.000 - 800.000 đồng/kg nhộng. Anh Luật bộc bạch: “Ngày trước, việc săn ong bắp cày vốn đã rất vất vả, nhưng tìm đầu ra cho sản vật này lại càng khó khăn hơn. Nguyên nhân là bởi có thời gian nhiều thợ săn ong vì muốn mau kiếm cái lợi trước mắt, sử dụng hóa chất để bắt ong khiến nhiều khách hàng dè chừng, cảnh giác hơn khi tìm mua. Giá nhộng ong bắp cày cũng giảm đi đáng kể. Đã không ít lần tôi trăn trở liệu có nên tiếp tục theo nghề này”.

Trong một chuyến băng rừng săn ong, anh Luật cùng bạn thợ đã sử dụng điện thoại ghi lại những khoảnh khắc làm nghề rồi đăng tải lên mạng xã hội. Ngờ đâu, những cảnh quay mộc mạc, chân thực về nghề săn ong và cuộc sống bình dị nơi núi rừng hoang vu đã tạo được hiệu ứng khá tốt với cộng đồng mạng, rất nhiều người xem dành tặng lời khen chàng trai trẻ gan dạ này. Hiện tài khoản TikTok của thợ săn ong họ Hà đã có hơn 150,1K lượt thích, 9.038 lượt follower. Danh tiếng chàng trai 9x với biệt tài săn ong “sát thủ” cứ thế đồn xa, tạo được thiện cảm và lòng tin trong khách hàng. Nhiều người còn tìm đến tận xóm Quét mua nhộng ong bắp cày của gia đình anh.

(Nguồn: baophutho.vn)



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn