Chuyện tình xúc động cô gái miền Nam quyết ra Bắc vì chàng trai ngồi xe lăn

Buổi chiều mùa thu tại quán ăn vặt trên đường Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), anh Lê Văn Thành (33 tuổi, quê Bắc Giang) ngồi trên xe lăn liên tục "chốt món" cho khách. Trong bếp, chị Vũ Ngọc Hân (29 tuổi, quê Long An) cùng hai nhân viên tất bật hoàn thành đơn hàng 60 hộp bánh tráng cuộn cỡ lớn.

Chốc lát, hai anh chị lại liếc nhìn nhau một cái, cười hạnh phúc. Họ thầm cảm ơn vì "được bận bịu" với công việc, là động lực vun đắp cho tương lai.

Chàng trai ngồi xe lăn và ước mơ "đi khắp thế gian"

Ngày chào đời, anh Thành khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Đến 5 tháng tuổi, anh trải qua một cơn sốt bại liệt khiến chân, tay mềm nhũn, không thể cử động. Cột sống cũng bị ảnh hưởng khiến anh chỉ có thể nằm một chỗ.

Sau nhiều năm chạy chữa, anh Thành có thể ngồi thẳng lưng, nhưng tay trái và chân phải liệt hoàn toàn, chân trái yếu. Dù từng được phẫu thuật hai đầu cổ chân, thêm hai lần nắn chân, nhưng anh vẫn không thể tự đi lại.

Thương con, bố mẹ bán hai tạ thóc, mua một chiếc xe cút kít để chị gái đẩy anh Thành đi chơi, ngắm nghía cuộc sống xung quanh. Đến năm 11 tuổi, anh được một tổ chức Nhật Bản tặng xe lăn - đây là chiếc xe gắn bó với anh suốt 13 năm, ngay cả khi lên Hà Nội học Đại học.

Anh Thành đến trường muộn hơn bạn bè trang lứa, sau nhiều lần bố mẹ nài xin thầy cô để con được học trong môi trường bình thường. 12 năm học, cũng là quãng thời gian bố chở và cõng anh đến lớp, cõng theo cả ước mơ và tương lai của anh.

Ở lớp, cậu học sinh Lê Văn Thành không mặc cảm về khiếm khuyết bản thân, nhưng luôn cảm thấy thiệt thòi vì không thể chơi đùa, đá bóng cùng bạn bè. Những lúc như thế, anh chỉ ngồi một chỗ và quan sát.

Chuyện tình xúc động cô gái miền Nam quyết ra Bắc vì chàng trai ngồi xe lăn - 1

Cách đây 3 tháng, anh Thành và chị Hân ra Hà Nội mở quán đồ ăn vặt miền Nam (Ảnh: Minh Nhân).

Sau tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Thành từng định hướng theo đuổi ngành báo chí, nhưng không đảm bảo tiêu chí về sức khỏe. Anh chuyển sang học công nghệ thông tin, thi đỗ vào Đại học Công Nghiệp Hà Nội năm 2009.

Ủng hộ quyết định học hành của con, song bà Chu Thị Phương (55 tuổi) - mẹ anh Thành vẫn lo lắng, nghĩ con chưa thể tự lập, khuyên nhủ: "Hay thôi, con cứ ở nhà. Hai mẹ con nuôi nhau, có gì ăn nấy. Con ra Hà Nội, cũng chẳng biết xoay xở thế nào".

Tuy nhiên, anh Thành kiên định đối mặt với những thử thách và gian nan, cố gắng chứng minh bản thân với mẹ và gia đình.

Năm ấy, ông Lê Văn Liêm (58 tuổi) đưa con trai ra trường nhập học. Trước đó, hai vợ chồng bàn tính thu xếp bớt công việc để ông Liêm ở hẳn ngoài Hà Nội, vừa chăm con vừa kiếm việc làm thêm.

Nhưng chỉ sau 3 ngày, anh Thành nhất quyết nói bố về lại Bắc Giang, chính thức bắt đầu cuộc sống tự lập. Thấy chồng về đến cổng nhà, bà Phương chạy ra khóc nức nở: "Sao ông 'đem con bỏ chợ', tôi không mở cửa cho ông vào".

Dù ngồi xe lăn, nhưng anh Thành vẫn tự chủ trong mọi sinh hoạt cá nhân. Khu ký túc xá hiện đại lắp đặt thang máy càng tạo thuận lợi cho chàng sinh viên đi lại.

Khó khăn lớn nhất là những lớp học ở tầng cao, khu nhà học không có thang máy, anh phải nhờ bạn cõng lên. Sau này rút kinh nghiệm, anh đăng ký học những môn có lớp học tại tầng một.

Chuyện tình xúc động cô gái miền Nam quyết ra Bắc vì chàng trai ngồi xe lăn - 2

Không đầu hàng số phận, anh Thành khát khao khám phá thế giới xung quanh và tìm kiếm tình yêu đích thực (Ảnh: Minh Nhân).

"Nếu anh bình thường, anh sẽ là người chở che em suốt cuộc đời"

Năm 2015, anh Thành tham gia một chương trình tình nguyện của thanh niên Đông Nam Á tại Philippines, dự kiến kéo dài 3 năm. Trước khi anh đi, mẹ phản đối dữ dội, "sợ mất con".

Một lần nữa, bà bị lòng quyết tâm của con trai "khuất phục", anh Thành quả quyết: "Dù ngồi xe lăn, nhưng con khát khao đi đây đi đó. Xin mẹ một lần cho con được thỏa mãn mong muốn".

Đầu năm 2017, chị Vũ Ngọc Hân cũng sang Philippines theo đuổi chương trình tình nguyện. Tại đây, chị gặp anh Thành, nhưng không mấy ấn tượng.

Một buổi chiều đi dạo để vơi nỗi nhớ nhà, chị Hân bắt gặp anh Thành tự đẩy xe lăn tập thể dục nên đã đến bắt chuyện và đẩy xe giúp. Theo vòng lăn của bánh xe, hai người nói đủ thứ chuyện trên đời.

"Biết hoàn cảnh của anh Thành, tôi rất cảm phục, thấy anh dễ thương, lạc quan, hay giúp đỡ mọi người", chị Hân nhớ lại.

Còn Hân, cô gái mồ côi bố từ nhỏ, lại không sống với mẹ, trong mắt anh Thành tuy dáng vẻ nhỏ nhắn, nhưng có cá tính và mạnh mẽ, tự tin nói trước đám đông, sẵn sàng thể hiện quan điểm để tranh luận với mọi người.

5 tháng sau, dù không có một lời chính thức hẹn hò, nhưng hai người tự hiểu là người yêu của nhau.

"Trước khi quen Hân, tôi từng có tình cảm với vài người, nhưng không thành, vì sợ làm khổ họ", anh kể. Nhưng khi biết rõ tình cảm của Hân, anh vội thổ lộ: "Nếu anh bình thường, anh sẽ là người chở che em suốt cuộc đời".

Cô gái cảm động, xem đây là lời tỏ tình, vội đáp: "Ngoài việc không đi dạo được cùng em, thì anh không khác gì người bình thường hết".

Chuyện tình xúc động cô gái miền Nam quyết ra Bắc vì chàng trai ngồi xe lăn - 3

Cặp đôi khám phá vùng biển đảo El Nido khi còn ở bên Philippines. (Ảnh: NVCC).

Cuối năm 2018, kết thúc chương trình tình nguyện, cả hai về Việt Nam, chấp nhận yêu xa do anh Thành sống ở Bắc Giang, còn chị Hân làm việc trong TP HCM.

Hai người hùn tiền khởi nghiệp bằng cách mở một tiệm spa trong TP HCM để chị Hân làm quản lý. Sau một thời gian, khi đang trên đà phát triển thì đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát. Họ thống nhất đóng cửa tiệm, sang nhượng cửa hàng do giá thuê mặt bằng cao. Chị Hân về quê Long An tránh dịch một thời gian.

Trong lúc yêu xa, một lần anh Thành vào TP HCM thăm người yêu. Nếm thử ẩm thực miền Nam, anh khen phong phú và đậm đà, khuyên chị ra Bắc khởi nghiệp lần hai từ công việc bếp núc.

"Tôi đã suy nghĩ rất nhiều vì đây là chuyện quan trọng. Nhưng nghĩ lại, tôi xác định khi đã yêu anh Thành, sẽ vất vả hơn, nhưng nếu vất vả mà được ở gần nhau thì cũng xứng đáng" - mặc dì ruột phản đối, "sợ cháu về già sẽ khổ", chị Hân nói rằng mình đã lớn, suy nghĩ thận trọng và muốn được bên cạnh người mình yêu.

Tháng 8/2020, chị đáp chuyến bay từ TP HCM ra Hà Nội, rồi đi xe khách về Việt Yên (Bắc Giang), ban đầu hơi "sốc" văn hóa và thời tiết.

Ở miền Nam, Ngọc Hân quen ăn các món xào, rán, mùi vị đậm đà, nhưng ở quê người yêu, thức ăn chủ yếu là rau luộc, thịt luộc. Sau này ăn quen, chị lại "ghiền" mấy món luộc, thấy tốt cho sức khỏe.

Mùa đông miền Bắc cũng là một nỗi ám ảnh với Hân, đến nỗi mỗi khi đi ngủ, chị thường mặc áo phao, đi tất, trùm kín người. Bệnh đau lưng gặp thời tiết lạnh khắc nghiệt cũng khiến cô gái đau nhói, nhiều đêm không thể ngủ.



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn