Bên cạnh đó, một số cây xăng ở ven đô (huyện Chương Mỹ, huyện Đan Phượng) vẫn trong tình trạng cửa đóng then cài. Ở khu vực tiến vào gần trung tâm Hà Nội, xuất hiện tình trạng gặp khó trong việc nạp nhiên liệu.
Lúc 11h, người dân xếp hàng dài chờ đổ xăng tại cửa hàng ở ngã tư Đại La - Giải Phóng. Thời điểm 12h, người dân phải chờ 5-7 phút để đổ được xăng trên đường Nguyễn Phong Sắc.
Trước đó, trao đổi với báo chí về công tác điều hành xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng trên thực tế vẫn bị đứt gãy ở một số phân khúc.
Cụ thể, theo báo cáo của Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), 2 nhà máy lọc dầu trong nước đã đạt tổng sản lượng 12,9 triệu tấn xăng dầu thành phẩm. 10 tháng năm nay, các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu đã nhập 5,7 triệu tấn xăng dầu. Như vậy, tổng nguồn xăng dầu cho đến giờ này là 18,6 triệu tấn, đạt trên dưới 90% nhu cầu tiêu dùng trong cả năm.
Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, trục lợi, găm hàng chờ tăng giá hoặc là các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Ngày 14/11, Bộ Công Thương có văn bản hỏa tốc gửi các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố về việc rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi quy định kinh doanh xăng dầu. Những vấn đề Bộ Công Thương cần lấy ý kiến như về chu kỳ điều hành giá xăng dầu, quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn.
Bộ cũng lấy ý kiến về quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu; việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu...
Nguồn: Vietbao