Từ Viêng Chăn đến Boten có 4 nhà ga, qua Vang Viêng, đến cố đô Luang Prabang, tiếp đó là Luang Namtha. Giá vé toa hạng nhất toàn tuyến là 529.000 kíp Lào, tương đương 760.000 đồng, toa hạng hai là 333.000 kíp, khoảng 480.000 đồng Việt Nam. Qua cửa soát vé là đến phòng chờ tàu khang trang, hiện đại và chặt chẽ không khác gì đi máy bay. Toa tàu được thiết kế hiện đại, có đội ngũ nhân viên phục vụ tận tình chu đáo. Đường ray thẳng tắp. Con đường dài hun hút xuyên núi, băng qua thung lũng, băng qua những cánh đồng, những dòng sông. Tàu cao tốc vun vút lao đi như một mũi tên.
Tiếng loa trên tàu thông báo tốc độ hiện tại đang là 160 km/h. Cảm giác vẫn êm ru dù nhìn qua cửa sổ thấy đồng ruộng, núi đồi bị bỏ lại phía sau trong chớp mắt. Trước khi lên chuyến tàu đường sắt cao tốc Viêng Chăn - Côn Minh chúng tôi chia làm hai đoàn để làm một phép thử so sánh. Cùng khoảng cách từ Viêng Chăn đến Luang Prabang. Trong khi đi tàu cao tốc chỉ mất hai tiếng đồng hồ thì một nhóm khác trong đoàn lựa chọn đi đường bộ bằng ô tô, mất nguyên một ngày đường.
Anh Phaykham Phalixai, chủ Công ty xuất nhập khẩu và dịch vụ thương mại Mặt Trời - Lào phân giải với chúng tôi: Hệ thống đường sắt cao tốc này đã biến Lào từ một nước nằm sâu trong lục địa và không giáp biển thành một mắt xích kết nối vận tải quan trọng, rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa rất lớn so với đường bộ. Trước đây từ Viêng Chăn đi Côn Minh mất đến hai ngày đêm thì bây giờ chỉ còn 7 tiếng.
Phấn khởi nhất có lẽ là những người buôn bán, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa giữa hai nước Lào - Trung. Lợi ích thấy rõ ngay trước mắt khi ước tính chi phí logistics cho toàn tuyến Viêng Chăn - Côn Minh đã giảm khoảng 40 - 50% nhờ tuyến đường sắt cao tốc này.
Cả Phaykham Phalixai và ông Somephone Phanusith đều nói, trong chiến lược tổng thể về hợp tác liên quốc gia, lấy hạ tầng giao thông làm điểm tựa phát triển giao thương kinh tế của Lào thì tuyến đường sắt cao tốc này rồi đây sẽ được kết nối với nhiều quốc gia khác trong khu vực gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia… đồng thời kết nối với Việt Nam, Campuchia, Myanmar bằng hệ thống liên tuyến… Các nhà đầu tư và Chính phủ Lào hy vọng sẽ đưa nông lâm sản, là thế mạnh của quốc gia, đến thị trường châu Âu bằng hệ thống đường sắt cao tốc này. Họ tính toán mấy năm đầu tiên số lượng có thể đạt 300.000 container, sau đó sẽ lên tới 1,2 - 1,8 triệu container và nhiều hơn nữa trong các năm tiếp theo.
Cơ hội và thách thức
Ông Souvanh Keosavang là người có gốc gác Việt Nam, đời trước quê ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ngoài vị trí chủ tịch chuỗi siêu thị bán lẻ xuyên quốc gia Jmart, ông còn là thành viên của một số doanh nghiệp liên doanh giữa Việt Nam và Lào.
Đấy là người am hiểu tường tận những thời cơ, vận hội mới của đất nước Lào và cũng là người nghĩ ngợi nhiều để làm sao kết nối, hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực. "Các anh đã thấy người Lào đã thay đổi mạnh mẽ như thế nào và cuộc cách mạng đó đang tạo ra những thời cơ rất lớn cho tất cả các quốc gia như Thái Lan, Campuchia và cả Việt Nam. Vấn đề là chúng ta phải nắm bắt và tận dụng thời cơ đó như thế nào", ông Souvanh Keosavang nói.
Chủ tịch Souvanh Keosavang đưa chúng tôi đến địa điểm Lào, Thái Lan và Trung Quốc đang xem xét xây một cây cầu đường sắt mới, chạy song song với cầu Hữu nghị Lào - Thái số 1. Souvanh Keosavang nói ông ít nhiều cảm thấy lo ngại cho thị trường nông sản Việt khi giờ đây người Thái đang có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh. Ngày trước hàng nông sản Thái Lan muốn đi qua thị trường Trung Quốc phải “mượn đường” qua Lào hoặc Myanmar. Từ thời gian đến chi phí vận chuyển đều rất tốn kém. Thế nhưng kể từ khi tuyến đường sắt cao tốc Viêng Chăn – Côn Minh đi vào hoạt động họ được hưởng lợi rất nhiều. Tháng 1/2022, chuyến hàng 1.000 tấn gạo đã được người Thái xuất khẩu sang Trung Quốc qua tuyến đường sắt này. Tiếp đó, tháng 3/2022, các container chở 40 tấn sầu riêng và 20 tấn dừa từ Rayong Thái Lan cũng đã đến Lào sau đó đi đường sắt cao tốc để sang Trung Quốc một cách nhanh chóng.
Rồi đây khi cây cầu đường sắt cao tốc Lào - Thái xây dựng xong, chắc chắn những mặt hàng nông sản khác của đất nước Thái Lan đi Trung Quốc sẽ càng thêm thuận lợi. Cao su, dầu cọ, sầu riêng, hoa lan và các sản phẩm gia cầm, thủy sản của Thái Lan sẽ được chuyển sang Trung Quốc bằng đường sắt Lào - Trung không những nhanh mà còn không giới hạn so với trước. Những người thường xuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc đã tính toán, nhờ tuyến đường sắt cao tốc này mà người Thái rút ngắn thời gian khoảng 24 giờ và giảm hơn 25% chi phí vận chuyển. Từ chỗ mất 2 - 3 ngày đường để vận chuyển nông sản đến Côn Minh (Trung Quốc) thì giờ đây người Thái chỉ một bước qua sông Mekong sau đó mất thêm mấy tiếng đồng hồ trên đất Lào đã có thể bán được hàng.
Nguồn: Vietbao