Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, truyền thông Đức, ngày 12/11, đồng loạt đưa tin về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Olaf Scholz.
Theo báo Thương mại (Handelsblatt), các doanh nghiệp Đức đang ngày càng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam để tránh rủi ro và mục tiêu này được nhiều công ty đưa vào lộ trình kế hoạch của mình. Chỉ tính riêng từ tháng 3 đến nay đã có trên 10 nhà máy mới của Đức được xây dựng ở Việt Nam.
Bài báo đánh giá xu hướng này của các công ty Đức sẽ càng được "chắp cánh" thông qua chuyến thăm của Thủ tướng Scholz, người tới Hà Nội ngày 13/11 cùng một phái đoàn kinh tế Đức.
Bài báo dẫn lời ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam, nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Scholz tới Việt Nam là tín hiệu tích cực cho thấy sự đa dạng hóa các quan hệ kinh tế của Đức ở châu Á hiện được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ.
Bài báo cũng đề cập Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVIPA) được ký từ 3 năm trước nhưng cho tới nay vẫn chưa được phía châu Âu phê chuẩn, không phản ánh đúng mong muốn của các doanh nghiệp Đức.
EVIPA đã được hai bên ký kết năm 2019, cùng với Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA). Tuy nhiên, trong khi EVFTA có hiệu lực 1 năm sau đó thì EVIPA vẫn bị mắc kẹt trong quá trình phê chuẩn và cho tới nay mới chỉ có 12/27 nước EU phê chuẩn.
Đức nằm trong số nước EU chưa phê chuẩn văn kiện này. Bất chấp việc EVIPA chưa được thông qua, số liệu của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Đức (GTAI) cho biết, đầu tư trực tiếp của Đức tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi từ năm 2018 đến năm 2020,lên 1,3 tỷ euro.
Báo Bưu điện sông Rhein (RP) đưa tin Thủ tướng Đức Scholz cùng đoàn doanh nghiệp, tối 12/11, rời Berlin bắt đầu chuyến công du kéo dài 4 ngày tới châu Á. Đây là chuyến công du dài ngày nhất của nhà lãnh đạo Đức kể từ khi ông nhậm chức.
Theo bài báo, Việt Nam là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của ông Scholz và tại Hà Nội. Thủ tướng Scholz có cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính và hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai bên sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, đặc biệt là các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương. Đây là chuyến công du thứ ba của Thủ tướng Scholz tới châu Á trong vòng 11 tháng qua.
Trước đó, ông Scholz đã tới Nhật Bản và mới đây là Trung Quốc. Nhiều trang báo khác của Đức như Welt, Spiegel, Merkur, Đài phát thanh Đức (Deutschlandfunk)... cũng đưa tin về chuyến công du của Thủ tướng Scholz.
Liên quan quan hệ song phương giữa Đức và Việt Nam, giới chức Đức đánh giá rằng về mặt truyền thống, Đức có quan hệ kinh tế tương đối chặt chẽ với Việt Nam. Bên cạnh yếu tố thị trường nội địa của hai bên, Đức và Việt Nam còn có mối quan hệ lịch sử lâu đời khi có rất nhiều người Việt sinh sống ở CHDC Đức trước đây. Đó là lý do ở Việt Nam có nhiều người nói và học tiếng Đức, thậm chí có cả trường Đại học Đức - Việt.
Việt Nam thực sự là đối tác kinh tế mạnh, có thể mở rộng các hình thức hợp tác khác nhau. Giới chức Đức cũng đánh giá cao sự hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước trong thời kỳ đại dịch COVID-19, trong đó Việt Nam đã quyên góp, hỗ trợ khẩu trang cho Đức và Đức đã đáp lại hỗ trợ trên 10 triệu liều vaccine cho Việt Nam - một trong những nước được nhận vaccine của Đức nhiều nhất trên thế giới.
Nguồn: Vietbao