Những ngôi nhà cao tầng ngập rác
Đã quá trưa nhưng những nhân công trong khu xưởng của chị T. (thôn Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn không ngơi tay. Trong không gian nồng nặc mùi nhựa, một nhân công luôn tay mở những bao tải lớn chứa đầy rác nilon các loại.
Sau khi nhặt sơ các mảnh giấy, băng dính vứt ra một góc, người này đẩy nilon ra phía máy ép. Đứng sát máy ép là một nhân công khác đang liên tay bốc "hàng", cho nilon vào ép thành từng khối vuông vắn. Cả hai người họ như lọt thỏm trong đống rác ngồn ngộn, bẩn thỉu và hôi hám.
Nilon phế liệu được ép thành kiện chuyển đi các nơi.
Chỉ vào những kiện hàng, chị T. cho hay, số hàng này sẽ được xuất đi Hải Phòng cho một đầu mối chuyên tạo hạt nhựa và thổi túi bóng.
Chị T. (SN 1985) là chủ một cơ sở thu gom nilon phế liệu ở làng Đồng Ngư, ngôi làng trước đây vốn nổi tiếng với biệt danh không mấy đẹp đẽ - "làng giặt rác".
Từ khoảng 20 năm trước, người dân Đồng Ngư chủ yếu mưu sinh bằng nghề thu mua giẻ rách, nilon phế thải. Người Đồng Ngư đi khắp các tỉnh thành đem rác về làng, chất đống dọc bờ ao, ngõ xóm, đình, chùa làng…
Nilon phế liệu sau đó được giặt theo đúng nghĩa đen, rồi đem phơi cho khô chờ ngày đóng kiện, xuất xưởng. Ao hồ, kênh mương, đường làng và ngõ ngách vì thế ô nhiễm nghiêm trọng bởi bao nhiêu bẩn thỉu cứ trút xuống làm dòng nước ngày càng bẩn đục, váng đen, tôm cá chết nổi trắng.
Làng Đồng Ngư giờ đây không còn giặt rác thô sơ như trước nữa, người dân đã "lên đời" công nghệ sơ chế nilon, có sự chọn lựa khi nhập hàng. Nhiều hộ đã chuyển đổi sang nghề khác, tuy nhiên vẫn có một bộ phận không nhỏ coi đây là nghề mưu sinh và giàu lên nhờ rác.
Dọc các con đường ở Đồng Ngư là các bao tải nilon chất cao tầng tầng, lớp lớp. PV Dân trí có mặt tại Đồng Ngư khi thôn này đang thu hoạch lúa. Người dân không ngần ngại phơi những vạt thóc vàng óng bên cạnh những bao tải rác nilon hôi hám.
Đi vào các con ngõ ở thôn Đồng Ngư, Liễu Ngạn thuộc xã Ngũ Thái dễ dàng quan sát thấy những bó lớn nilon trắng và màu đủ loại. Những loại nilon mà đối với những người bình thường chỉ là những mảnh rác vứt đi, nhưng với người dân nơi đây đó là sinh kế.
Theo quan sát của phóng viên, những hộ dân làm nghề này đều có kinh tế rất khá giả. Gia đình nào cũng sở hữu những ngôi nhà cao tầng khang trang. Tuy nhiên, xung quanh những ngôi nhà luôn chất đầy rác thải nilon. Nhiều "đầu nậu" còn dựng các nhà kho bằng tôn để tạo ra các khu xưởng chứa hàng. Có những ngôi cao tầng như chìm nghỉm trong rác.
Nghề "sơ chế" rác đem lại thu nhập ổn định cho nhiều người song cũng tiềm ẩn những nguy cơ về sức khỏe.
Từ "bà đồng nát" thành chủ xưởng
Không chỉ riêng ở Đồng Ngư, Liễu Ngạn, nghề "buôn bóng phế thải" cũng được coi là sinh kế làm giàu của không ít hộ dân thuộc xã Song Liễu, một xã giáp ranh với các thôn này.
Đi dọc con đường ở xã Song Liễu vẫn là khung cảnh đặc trưng của những địa phương "làm giàu từ rác". Mùi nhựa nồng nặc bốc lên khắp nơi. Tiếng máy xay nhựa hoạt động không ngừng nghỉ trong các khung xưởng mái tôn tạo ra một thứ âm thanh đinh tai nhức óc.
Tại Song Liễu, chúng tôi trò chuyện với người phụ nữ tên L. ngoài 50 tuổi. Bà L. cho biết, mình vốn làm nghề thu mua ve chai, đồng nát.
Sau khi thấy nhiều người phất lên từ nghề thu gom nilon phế thải, bà L. vay mượn mở xưởng. Lâu dần bước vào nghề, các mối quan hệ làm ăn của bà được mở rộng.
Bà có nguồn hàng ổn định từ hàng bóng thải ra từ các công ty, các khu công nghiệp… Những loại bóng đẹp bà L. thường để dành để tạo hạt nhựa đem bán cho các công ty bao bì.
Loại bóng xấu, bà thường gom lại bán ăn chênh lệch. Vậy là nhờ những chiếc túi nilon phế thải, từ một phụ nữ buôn ve chai, bà L. trở thành chủ một xưởng thu gom, tái chế nilon với hai dàn máy tạo nước và tạo khô hạt nhựa.
Nguồn: Vietbao