Đằng sau vụ trao đổi tù nhân Nga - Mỹ

Theo Reuters, Krasikov bị bắt sau khi nổ súng bắn chết Zelimkhan Khangoshvili tại Berlin năm 2019. Khangoshvili là một thủ lĩnh lực lượng ly khai ở Chechnya sống lưu vong ở Đức trước khi bị ám sát. Truyền thông nhà nước Nga gọi Khangoshvili là khủng bố.

Đòi hỏi của Moscow khiến Washington thất vọng. Mỹ sau đó có hành động hiếm thấy là công khai với công chúng về danh tính những tù nhân mà Washington đề nghị trao đổi, Griner và Whelan đổi lấy Bout. Nhà Trắng kỳ vọng sử dụng sức ép công luận để buộc Nga từ bỏ yêu sách về Krasikov.

Nga im lặng trong nhiều tháng. Chỉ tới khi bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ qua đi, Moscow mới phản hồi. Nhưng thay vì chấp nhận đề xuất của Mỹ, Moscow muốn loại bỏ Whelan khỏi thỏa thuận.

Trong khi Nga coi đổi Griner lấy Bout là trao đổi công bằng, nhiều người Mỹ lại nghĩ khác.

Bout bị bắt vì buôn lậu vũ khí trái phép, dính dáng tới hàng loạt cuộc xung đột vũ trang đẫm máu nhất thế giới. Trong khi đó, Griner bị cáo buộc vận chuyển trái phép tẩu có chứa dầu cần sa vào Nga. Mức độ và hành vi phạm tội của hai người này hoàn toàn khác nhau.

Dù vậy, đây cũng là lần đầu tiên Moscow phản hồi đề nghị trao đổi tù nhân của Mỹ. Tại Nhà Trắng, hàng loạt cuộc họp cấp cao được tổ chức nhằm xác định liệu Nga có thực sự nghiêm túc trong vụ trao đổi một - một hay không.

Sức ép đè nặng lên Nhà Trắng bởi Washington không có đủ thông tin. Khi các cuộc thảo luận đang diễn ra, gia đình Whelan thông báo công khai họ không thể liên lạc với ông này, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe và tính mạng của tù nhân Mỹ.

Nếu tính mạng ông Whelan có vấn đề, tất cả đều hiểu mọi thỏa thuận để trả tự do cho Griner sẽ bất khả thi. Nhưng phía Nga lúc đó dường như là bên sốt sắng tiến hành trao đổi tù nhân hơn.

Nhiều ngày sau đó, thỏa thuận trả tự do cho Griner rơi vào bế tắc bởi giới chức Mỹ phải tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra với cả hai tù nhân. Cuối cùng, tình hình chỉ dịu lại như ông Whelan liên lạc với gia đình từ nhà tù.

Toan tính vào phút chót

Trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục cuối tháng 11, Tổng thống Biden khi đó đã sẵn sàng thỏa thuận với Nga. Bộ Tư pháp vẫn tiếp tục phản đối thỏa thuận trao đổi tù nhân, cho rằng điều này trái với hệ thống tư pháp Mỹ.

Ngược lại, Bộ Ngoại giao và nhiều quan chức khác ủng hộ thỏa thuận, cho rằng Moscow sẽ không bao giờ thay đổi phương án đánh đổi. Tổng thống Biden cuối cùng nhất trí với kế hoạch trao đổi tù nhân.

Tuy vậy, nỗ lực đàm phán suýt chút nữa đã đi chệch hướng chỉ vài ngày sau đó khi Tổng thống Biden tổ chức quốc yến chiêu đãi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 1/12. Một phóng viên của CBS News liên hệ Nhà Trắng khi nắm được thông tin Washington chuẩn bị trao đổi Bout lấy Griner.

Lo sợ việc thông tin bị tung ra quá sớm có thể phá hỏng thỏa thuận, Nhà Trắng đề nghị CBS News chưa đưa tin.

Giới chức Mỹ sau đó hối thúc Nga hành động. Moscow phản hồi xác nhận nhất trí với kế hoạch trao đổi tù nhân.

griner trao doi tu nhan anh 4
Brittney Griner tại sân bay Kelly Field, San Antonio hôm 9/12. Ảnh: AP.

Một ngày sau quốc yến, Tổng thống Biden ký lệnh ân xá cho Bout. Trước khi chuyển giao cho Nga lệnh ân xá này, Washington một lần nữa đề nghị Moscow cân nhắc phương án trao đổi một người khác để trả tự do đồng thời cho Griner và Whelan. Nhưng Nga một lần nữa từ chối.

Hai bên sau đó chuẩn bị phương án vận chuyển tù nhân, với một máy bay từ Moscow dành cho Griner, và một máy bay từ Mỹ dành cho Bout.

Câu hỏi còn lại là địa điểm hai bên thực hiện trao đổi. Trong các cuộc trao đổi tù nhân trước giữa Washington và Moscow, châu Âu thường được lựa chọn. Nhưng lúc này, châu Âu và Nga đang đối đầu gay gắt vì chiến sự ở Ukraine. Moscow lo sợ máy bay chở Bout sẽ bị chặn lại tại châu Âu.

Hai bên sau đó thỏa thuận chọn UAE, một đồng minh của Mỹ nhưng đang có quan hệ tốt với Nga. Quốc gia Trung Đông cũng sẵn sàng làm trung gian cho vụ trao đổi tù nhân. Thỏa thuận cuối cùng là hai máy bay sẽ cùng đáp tại Abu Dhabi, thủ đô UAE.



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn