“Đi mót vàng tuy vất vả nhưng cũng vui lắm. Không những phụ giúp được ba mẹ mà còn có thể kiếm thêm ít đồng để mua áo mới, dép mới để đi học nữa”. Nói rồi, P. liền cúi xuống chăm chú nhặt những viên đá sạn lớn trên tấm thảm, rồi dội nước lên xẻng cát để sàng, động tác nhanh nhẹn như đã quen thuộc từ lâu.Chính vì đặc thù là hên xui, nên những người theo nghề đều hiểu rõ về sự bấp bênh, vất vả của nó. Dẫu vậy, họ vẫn chấp nhận và nuôi hi vọng. Hi vọng ở đây chẳng phải là ước mơ đổi đời hay giàu sang nào cả, mà chỉ đơn giản là mong đủ kiếm sống qua ngày, có thêm chút đồ tươi cải thiện bữa ăn, con cái có thêm chiếc áo mới đến trường…
“Vùng đất vàng” nhưng vẫn mãi nghèo
Nhiều người nghĩ, sống trên vùng đất Phước Sơn xưa nay được mệnh danh là vùng đất vàng, chắc hẳn, cuộc sống của người dân nơi đây khấm khá. Sự thật lại hoàn toàn khác. Nơi đây quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, nhưng mùa màng thì lúc được lúc mất, chẳng đủ ăn. Họ phải nghĩ đủ cách, làm đủ nghề mưu sinh qua ngày.
“Chẳng ai muốn ngày ngày phải ngâm mình dưới nước lạnh hàng tiếng đồng hồ để làm cái nghề này. Nhưng biết làm sao được, con lớn, còn nhiều khoản cần phải chi tiêu lắm. Không làm thì chẳng biết đào đâu ra tiền mà trang trải, gắng được đồng nào hay đồng nấy vậy”, chị B.T.S. nói.
Chạy men theo con đường liên xã từ Phước Chánh, Phước Công lên Phước Lộc (huyện Phước Sơn), hai bên đường vẫn còn ngổn ngang đổ nát, dấu tích để lại sau đợt lũ 2020 đến nay. Lúc này, trời đã quá trưa, vậy mà từng tốp người dưới sông vẫn miệt mài tìm kiếm. Ai cũng tất bật, vội vã, tranh thủ từng chút một kẻo trời mưa lại không làm được nữa.
Chị H.T.V., cõng trên lưng đứa con chừng 2 tuổi, đang khom lưng lụi cụi dưới lòng suối đục ngầu. Quần áo chị ướt sũng, nhưng vẫn cố giữ cho đứa bé được khô ráo. Nhìn gương mặt non nớt của cháu bé đang ngủ ngon lành trên lưng mẹ, tôi xót ruột bèn hỏi: “Sao không cho bé ở nhà, nắng thế này địu theo làm gì cho khổ?”.
Chị V. khựng lại, rồi cười gượng: “Nhà chẳng có người trông, phải ôm đi mà kiếm thêm ít đồng mua gạo ăn chứ. Hồi nãy có mấy cán bộ công an lên bảo nghỉ làm, nhưng tụi tui tiếc ngày công quá, ráng thêm được chừng mô hay chừng nấy”.
Nghe tới đây, người đàn ông trung niên bên cạnh tiếp lời: “Bây giờ có bị bắt thì tụi tui cũng làm gì có tiền mà nộp phạt. Mà nếu có bắt, thì phải bắt mấy người làm vàng trái phép, đánh hầm ầm ầm đó kìa. Chứ những người như tụi tui chỉ lọ mọ ven sông, có làm ảnh hưởng gì đâu mà bắt”.
Theo những gì chúng tôi tìm hiểu, làm vàng cũng có nhiều kiểu. Kiểu đầu tiên là những người có tiềm lực kinh tế, thuê nhân công, đầu tư máy móc hiện đại, tìm kiếm những vùng có vàng khối, đánh hầm, đánh theo mạch vàng (tất nhiên là khai thác trái phép). Kiểu thứ hai là những người tìm vàng ở ven sông ven suối nhưng thường đào bới, khiến xói lở bờ. Kiểu cuối cùng, là những người dân nghèo chỉ quanh quẩn lọ mọ ven sông suối, trông chờ hết vào vận may.
Có lẽ, những người làm cái nghề mót vàng như anh H., chị V., chị S. hiểu rõ việc mình làm là phạm luật. Nhưng rồi, quanh quẩn trong cái nghèo, trong áp lực cơm áo gạo tiền, họ đành chậc lưỡi cho qua. Bởi, suy cho cùng, cái họ cần nhất, lo lắng nhất, vẫn là làm sao để có được bữa cơm no cho mấy đứa nhỏ ở nhà, là có tiền mua thuốc mỗi khi nhà có người ốm đau, hay chỉ đơn giản là đủ tiền mua được chiếc áo trắng cho con…
Ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết, chính quyền nắm rõ tình trạng người dân đi làm vàng sa khoáng ở dọc sông. Nhưng để dẹp hẳn được việc này thì lại là một câu chuyện khó khăn.
“Đa số những người đi làm vàng sa khoáng ven sông, suối có hoàn cảnh khó khăn, họ không còn cách nào khác để mưu sinh nên mới đi làm cái nghề này. Địa phương cũng nhắc nhở, tuyên truyền người dân không làm nữa. Chứ quyết liệt dẹp hẳn thì rất khó. Nói khó không phải vì chúng tôi không thể dẹp, mà là không muốn làm căng với những người dân đang cố gắng tìm cách mưu sinh…”, ông Thoại nói.
Nguồn: Vietbao