Người Trung Quốc học cách sống chung với Covid-19

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh các biện pháp chống dịch Covid-19 là bước ngoặt quan trọng cho thấy Trung Quốc đang dần rời xa chính sách "Không Covid" nhằm tiến tới đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường và vực dậy nền kinh tế đang trên đà giảm sút.

Và Bắc Kinh cũng tính đến nguy cơ mở cửa là chấp nhận nguy hiểm. Là quốc gia đông dân nhất thế giới và đã bắt đầu bước vào thời kỳ dân số già, các đợt bùng phát trên diện rộng có thể đe dọa tính mạng người dân.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến Trung Quốc đến nay mới nới lỏng các chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt đã thực hiện trong suốt 3 năm qua.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc sẽ phải tập trung ứng phó với làn sóng dịch được dự báo là sẽ bùng phát rất nhanh, mạnh và lan rộng trong khoảng 1, 2 tháng tới. Khi đợt bùng phát này đạt đỉnh, tỷ lệ lây nhiễm trong dân ở Trung Quốc có thể đạt khoảng 60%, sau đó giảm dần và trở lại thời kỳ bình ổn, cuối cùng có thể là 80-90% người dân nước này sẽ bị nhiễm bệnh.

Và gánh nặng sẽ đè lên hệ thống y tế. Theo SCMP, hiện nay Trung Quốc chuyển sang hỗ trợ y tế trực tuyến khi Covid-19 bước vào thời kỳ bùng phát đỉnh điểm nhất.

Vào ngày 12/12, trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng cho hệ thống y tế, các cơ quan y tế thuộc Hội đồng Nhà nước đã thông báo cho các tổ chức y tế rằng họ sẽ được phép tư vấn trực tuyến cho bệnh nhân có các triệu chứng liên quan đến Covid-19 và kê đơn thuốc.

Đây là lần đầu tiên, các bệnh viện được phép kê đơn thuốc cho bệnh nhân mà không cần thăm khám trực tiếp.

Đầu tuần này, Amy Luo, sống ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, đã xét nghiệm mắc Covid-19.

Trong khi vật lộn với cơn sốt, cô đã mua được những loại thuốc khó tìm ở hiệu thuốc, nhưng khi các triệu chứng của bắt đầu thay đổi, cô không chắc phải uống bao nhiêu lần hoặc bao nhiêu thuốc. "Tôi không đến bệnh viện gần đó để gặp bác sĩ", cô Luo nói. "Có quá nhiều người ở đó. Tôi sợ bị lây nhiễm chéo".

Thay vào đó, cô chuyển sang nhờ sự hỗ trợ y tế trực tuyến. "Ask Doctor", một chương trình nhỏ trên nền tảng Baidu Health, trở thành cứu cánh của những bệnh nhân Covid-19 ở Trung Quốc hiện nay.

Bắc Kinh và Thượng Hải đã công bố danh sách các bệnh viện trực tuyến có phòng khám triệu chứng sốt để tư vấn và kê đơn thuốc. Tại Quảng Châu, các cơ quan y tế đã khuyến nghị những bệnh nhân không phải cấp cứu nên tìm tư vấn y tế trực tuyến.

Zhang Yi, nhà phân tích chính của công ty tư vấn iiMedia Research, cho biết: "Các nền tảng y tế trên internet đóng một vai trò hỗ trợ rất quan trọng sau khi chính sách nới lỏng được công bố, đặc biệt là khi các bệnh viện quá tải bệnh nhân".

Trong một động thái khác, hôm 20/12, gã khổng lồ công nghệ Tencent đã tung ra một chương trình nhỏ chia sẻ thông tin về Covid-19 trên WeChat, nơi mọi người có thể đăng tin nhắn nếu họ đang tìm thuốc hoặc chia sẻ thêm thuốc với những người cần.

Tính đến chiều ngày 21/12, nền tảng này đã có hơn 50.000 bài đăng, trong đó những người ở Thâm Quyến, Hàng Châu, Thượng Hải, Quảng Châu và Nam Kinh là những đối tượng cần nhất, theo Tencent.



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn