Nếu như việc theo học các lễ nghi, phong cách phương Tây ở Trung Quốc một vài thập kỷ trước bị cho là "mốt nhất thời" thì hiện nay, xu hướng này gia tăng nhanh chóng trong giới giàu có.
Những người này mong có thần thái và ứng xử tinh tế theo phong cách "quý tộc" phương Tây trong xu thế toàn cầu hóa, đồng thời khẳng định "quốc sĩ" trên trường quốc tế với niềm tự hào về nền văn hóa lâu đời.
Theo Viện nghiên cứu du lịch nước ngoài của Trung Quốc, số lượng người dân đi du lịch nước ngoài đã tăng vọt từ 10,5 triệu (năm 2000) lên 57,4 triệu (2010) và 149,7 triệu (2018).
Một số hành động "không đẹp" của du khách Trung Quốc được ghi lại trên truyền thông quốc tế đã thôi thúc giới nhà giàu nước này theo học các lớp dạy phong cách "quý tộc" để tách mình ra khỏi tiếng xấu.
Ngoài ra, xu hướng sử dụng hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng cũng giảm tại Trung Quốc, nhường chỗ cho thị hiếu xài hàng chính hãng, sang trọng và chất lượng cao. Tuy vậy, người ta cho rằng, sở hữu một chiếc túi xách Chanel vẫn là chưa đủ nếu không thực sang trọng để cầm nó. Tương tự, một người có thể làm ra rất nhiều tiền nhưng vẫn không được xem trọng vì thiếu thần thái và tinh tế trong cách ứng xử.
Đó là lý do khiến người Trung Quốc, đặc biệt là giới siêu giàu, ngày càng chú trọng đầu tư vào giáo dục lễ nghi và phong cách ứng xử.
Thế hệ "ngậm thìa vàng" học "hôn gió" đúng cách
Nhiều cô bé, cậu bé "ngậm thìa vàng" đã học các kỹ năng xã hội, kỹ năng bàn tiệc và cách cư xử từ nhỏ. Việc đội cuốn sách trên đầu để đi đứng thần thái hơn không còn xa lạ với các em.
Các bài tập khác bao gồm cách giới thiệu bản thân và chào hỏi mọi người, "hôn gió" đúng cách và biết lựa chủ đề nào thích hợp để thảo luận trên bàn tiệc tối.
Nguồn: Vietbao