Tập đoàn của tỷ phú giàu nhất châu Á muốn chi hàng trăm triệu USD để thay đổi khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ. Nhưng vẫn còn những lo ngại xoay quanh dự án này.
Theo South China Morning Post, khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ sắp được thay áo mới. Đó là nơi khoảng nửa triệu người chen chúc trong những căn nhà chật chội, bẩn thỉu, thậm chí không có nhà tắm riêng. Nhưng Adani Group của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ vừa thắng thầu phát triển Dharavi với 50,7 tỷ rupee (tương đương 613 triệu USD).
Khu ổ chuột giữa lòng Mumbai từ lâu đã làm mất mỹ quan đô thị. Dharavi có vị trí đắc địa ở trung tâm tài chính và kinh doanh của Ấn Độ, nằm ngay sát khu phức hợp Bandra Kurla.
Các cư dân từ lâu đã muốn cải thiện cuộc sống của họ. Nhưng một số người lo ngại rằng những thay đổi sẽ mang tới hậu quả tiềm tàng đối với cuộc sống và sinh kế.
Tại khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ, khoảng nửa triệu người chen chúc trong những căn nhà chật chội, không có nhà tắm riêng. Ảnh: Reuters. |
Khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ
Theo ông Ramakant Gupta - người đứng đầu một phong trào hành động vì Dharavi, mọi người đều ủng hộ việc đổi mới, nhưng yêu cầu Adani Group đặt lợi ích và nhu cầu của họ lên hàng đầu.
"Chúng tôi muốn quá trình tái phát triển diễn ra công bằng. Mọi cư dân ở khu ổ chuột đều được hưởng lợi và không ai bị mất nhà cửa", ông nhấn mạnh.
"Các cư dân muốn hình ảnh của khu vực được cải thiện. Như vậy, việc học hành và sự nghiệp tương lai của con cái họ sẽ tươi sáng hơn", ông nói thêm.
Trong cuốn Rediscovering Dharavi, Stories from Asia’s Largest Slum (tạm dịch: Tìm lại Dharavi, những câu chuyện về khu ổ chuột lớn nhất châu Á), tác giả Kalpana Sharma cho rằng sự đông đúc của khu ổ chuột ở Mumbai đã phơi bày "các vấn đề về quy hoạch đô thị". Trong đó, Chính phủ Ấn Độ phớt lờ sự tồn tại của những khu ổ chuột, sau đó phá dỡ để loại bỏ chúng.
Theo Dự án Tái phát triển Dharavi, bộ phận bất động sản của Adani Group sẽ làm việc với giới chức Ấn Độ nhằm thay thế các khu nhà xuống cấp nghiêm trọng thành những chung cư cao tầng.
Ông Gautam Adani là tỷ phú châu Á đầu tiên lọt top 3 trong Bloomberg Billionaires Index - bảng xếp hạng tài sản của các tỷ phú trên thế giới. Ảnh: Reuters. |
Ông S.V.R. Srinivas - quan chức phụ trách dự án - khẳng định đây là "bước tiến lớn đầu tiên hướng tới một Mumbai không có khu ổ chuột".
Nhưng bà Samya Korde - Chủ tịch Đảng Nông dân và Công nhân Ấn Độ - cho rằng đề án của Adani Group vẫn chưa đầy đủ chi tiết, bao gồm lộ trình thay đổi. Bà cũng lớn lên từ một khu ổ chuột.
"Các điều khoản nhằm mua lại đất dành cho đường sắt từ chính quyền trung ương vẫn chưa rõ ràng", bà nhận xét. Bà Korde cho rằng cần bổ sung thời hạn cụ thể đối với mọi bên tham gia vào quá trình tái phát triển.
Adani Group cho biết sẽ bỏ tiền túi để di dời tất cả cư dân hiện tại của khu ổ chuột. Phần đất không dùng tới có thể được bán cho những chủ đầu tư khác nhằm kiếm lời.
Nhưng một số nhà phân tích cho rằng tập đoàn của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ không nên kiếm lời từ Dharavi. Đó là nơi nhiều thế hệ cư dân của đất nước đã sinh sống và lập nghiệp.
Vẫn còn những lo ngại
Vào thế kỷ XVIII, Dharavi chỉ là một đầm lầy ngập mặn, sau đó trở thành làng chài. Các thợ thuộc da bắt đầu định cư ở Dharavi khi Mumbai bước vào quá trình công nghiệp hóa, rồi tới lượt những thợ gốm.
Với các tuyến đường sắt và sông, Dharavi là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa và cộng đồng dân cư trên khắp Ấn Độ.
Ông Rehman Shaikh - chủ một doanh nghiệp tái chế nhựa nhỏ - lo ngại rằng việc tái phát triển Dharavi sẽ phá hủy sự độc đáo và đa dạng về văn hóa ở nơi này.
Khu ổ chuột lớn nhất châu Á có hơn 5.000 doanh nghiệp quy mô nhỏ, sản xuất mọi thứ từ da và xà phòng đến đồ gốm và giày dép.
Trở lại thế kỷ XVIII, Dharavi chỉ là một đầm lầy ngập mặn. Ảnh: Reuters. |
Kumbharwada - khu vực chuyên bán gốm sứ của Dharavi - đã là nhà của gia đình ông Bharat Dordia suốt 60 năm qua. Căn nhà 2 tầng với những lò nung của ông được coi là lớn so với các ngôi nhà xung quanh.
Giờ đây, ông Dordia bắt đầu lo lắng về thu nhập tương lai. Trong quá trình tái phát triển, gia đình của ông chỉ được cấp một không gian sống khá nhỏ.
Còn ông Shaikh Anjum - chủ của một xưởng may thuê 10 công nhân - cho rằng việc tái phát triển sẽ hủy hoại công việc làm ăn của mình. Bởi chỗ ở mới không đủ không gian để xưởng của ông sản xuất và buôn bán.
Nhưng một số cư dân trẻ tuổi rất hào hứng với dự án. "Tôi nóng lòng có một ngôi nhà hiện đại với nhà tắm riêng", cô Shabana Khan, một sinh viên 18 tuổi, chia sẻ. Gia đình 6 người của cô đang sống trong căn nhà nhỏ chỉ có một phòng ngủ và phải dùng chung nhà tắm công cộng.
Nguồn: Vietbao