Về Bát Tràng ăn cỗ

Cô Lâm tâm sự: “Ngày xưa các cụ cầu kỳ lắm, bày mâm cỗ lên các cụ nhìn qua là biết người nấu cỗ có khéo hay không, có biết cách chọn nguyên liệu tốt hay không. Chẳng hạn món gà luộc, kỹ từ việc chọn đúng con gà ri dưới một tuổi, như vậy khi luộc thịt mềm, da gà sáng bóng, không dễ bị rách - nát, chặt gà bày đĩa mới được đẹp…”.

26d213d6-afd8-40f4-b26e-c71026c9b586.jpg
Các món trong mâm cỗ quen thuộc của ẩm thực làng cổ Bát Tràng. 

Từng món ăn là một chuyện kể dài về tinh tuyển nguyên liệu, kỹ thuật chế biến. Nhìn trong cỗ Bát Tràng, món mực là một điểm nhấn của hai món canh măng mực và su hào xào mực. Bát canh măng với từng miếng măng được xé mảnh như cây tăm, cây đũa, được nấu từ nước một của con gà luộc và mực khô xé nhỏ, lại phải là mực cái từ vùng biển Thanh Hóa vì tạo cho phần nước thêm ngọt thơm hơn.

Nói về món nấu này, cô Lâm tiết lộ: “Canh măng mực có nước đục, nên dùng nước một luộc gà, nước luộc hai của con gà sẽ dùng nấu canh bóng để nước trong và ngọt hơn. Các cụ dạy quy củ lắm, nấu cái gì trước cái gì sau phải rõ ràng, không theo đúng quy tắc ấy là kết quả hỏng ngay. Ngay cả ăn cũng phải biết ăn cái gì trước, cái gì sau, đều có thứ tự hết cả”.

Mỗi món ăn, từ các món mực, rồi xào, nấu, từ chim câu tần, canh bóng, nem rán, gà luộc, nộm… đều là một câu chuyện dài kể từ khi tuyển chọn nguyên liệu đến lúc hoàn thiện. Tất cả sắp xếp lại tròn đầy trong một mâm cỗ, với đủ màu sắc, bắt mắt, ấn tượng. Mỗi món ăn mang một hương - sắc - vị hoàn toàn khác biệt, hòa quyện vào nhau. Mâm cỗ theo lối cổ của Bát Tràng cũng là món ăn theo mùa, bên cạnh những món chính, phần tráng miệng nếu vào mùa hè sẽ là xôi vò chè đường, còn nếu ở mùa đông thì có bánh chưng và chè kho. Nên khi ăn cỗ kiểu cổ ở Bát Tràng, nếu có bánh chưng, đây sẽ là món ăn sau cùng trước khi dùng món tráng miệng.

2126ff54-6d61-4119-991a-58427177d9e5.jpg
Món canh chim câu hầm trong mâm cỗ Bát Tràng.

Dùng bữa cỗ trong không gian cổ kính, được giữ gìn như nguyên bản, lại được nghe người nghệ nhân ẩm thực của Bát Tràng kể về câu chuyện các món ăn, cảm giác như không phải ăn một bữa ngon thông thường, mà là trải nghiệm một câu chuyện dài về người, về nghề, về nếp gia phong được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hiểu phận làm dâu, nên sau này khi có hai người con dâu, cô Lâm quý mến và yêu thương như con đẻ, truyền dạy lại cho các chị những kỹ thuật nấu ăn đã theo cô suốt cả cuộc đời.

Trước khi chia tay, hỏi về việc tiếp nối các món ẩm thực cổ truyền, cô Lâm vui mừng khoe rằng con dâu thứ với đứa cháu nội nhà cô sẽ tiếp nối việc lưu giữ các món cỗ Bát Tràng như cách cô đã học, đã làm bao năm. Cô Lâm nói thêm: “Bây giờ việc nấu cỗ không như ngày xưa, người ta dễ dãi, pha trộn nhiều thứ, cô chỉ muốn giữ lại những gì nguyên bản và luôn sẵn sàng giới thiệu, chia sẻ các kỹ thuật, phương cách nấu cỗ theo lối cổ để mọi người cùng nhau lưu giữ, nếu không sẽ mai một hết cháu ạ!”.



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn