Quán Bình Minh Jazz ở số 1 Tràng Tiền vẫn mở hằng đêm. Cả 7/7 đêm là nhạc jazz, thứ jazz thuần chất không pha tạp mà các thế hệ học trò của nghệ sĩ Quyền Văn Minh chơi. Không chỉ là những bản nhạc jazz kinh điển của nước ngoài, ông còn mang đến đó jazz Việt mang âm hưởng văn hóa dân gian để giới thiệu với công chúng, đặc biệt là khách nước ngoài.
Để có Bình Minh Jazz hôm nay, ông đã trải qua 25 năm lận đận, với không dưới 6 lần chuyển chỗ, và cuối cùng vẫn có một quán nhạc jazz duy nhất tồn tại ở Hà Nội.
“Tôi có một giấc mơ, một giấc mơ chơi jazz ở Việt Nam. Vì jazz, tôi đã gặp nhiều gian khó. Vì jazz, tôi đã nhận nhiều hạnh phúc và vui thú. Giờ tôi đã nghỉ hưu ở nhạc viện. Đó là công việc của tôi với đất nước. Nhưng công việc của tôi với cây saxophone thì không bao giờ ngừng lại”. Trong ngôi nhà nhỏ bộn bề sách và đĩa nhạc, đàn, Quyền Văn Minh chia sẻ với tôi câu chuyện về jazz, tình yêu máu thịt của ông.
Năm 1968, khi người Việt Nam cơ bản không biết nhạc jazz là gì, ông đã được nghe nó trên radio và lập tức bị ám ảnh. Cậu bé Quyền Văn Minh 14 tuổi tự học nhạc từ sự khuyến khích, động viên của mẹ. Lúc đầu ông chơi cralinet, sau đến sacxophone. Được mời về các đoàn biểu diễn sacxophone, nhưng thẳm sâu trong trái tim Quyền Văn Minh vẫn ám ảnh bởi thứ nhạc tự do, phóng khoáng mà ông “trót được nghe” từ năm 14 tuổi ấy, nên quyết đi tìm và chơi nó, mang nó về Việt Nam. Ông gọi đó là “âm nhạc mê hoặc” và tự nhủ: “Mình phải học cái này mới được. Mình phải chơi được như thế”.
Xuất bảnTôi hỏi, điều gì khiến ông đắm đuối với jazz đến thế. Ông khẳng khái: “Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Tôi chỉ có một cuộc đời để làm nghệ thuật. Với jazz, nếu không làm được thì uổng phí cuộc đời của mình quá”.
Lúc đầu, âm nhạc đến với Quyền Văn Minh “chỉ như một vũ khí để tự vệ, không muốn kém ai cả”, nhưng khi nghe jazz, ông bị chinh phục bởi vẻ đẹp tự do, phóng khoáng của thứ âm nhạc như có men say ấy. “Tôi nghĩ, khó cũng làm được nếu quyết tâm, tôi tự hứa với chính mình, dứt khoát phải chơi nhạc jazz”.
Đêm diễn đầu tiên của ông với 3 bản nhạc jazz tại Hội Nhạc sĩ Việt nam năm 1994 đã đặt nền móng cho sự phát triển của nhạc jazz Việt Nam. Năm 1996, Quyền Văn Minh được mời sang Pháp biểu diễn, và năm 1997, ông nhận danh hiệu NSƯT. Quán nhạc jazz đầu tiên ông mở tại Giảng Võ bằng toàn bộ số tiền gom góp nhiều năm, đủ để làm một concert riêng tại Hà Nội. Nhưng lúc đó, ông nghĩ rằng, jazz cần một sân chơi, nơi các nghệ sĩ có thể đến chơi nhạc và công chúng có một địa chỉ để thưởng thức.
Nguồn: Vietbao