Châu Á ra sao trong năm 2023

Sự hiện diện của quân đội Trung Quốc quanh đảo Đài Loan dường như cũng đang dần được “bình thường hóa”. Ngày 25/12, Chiến khu phía Đông của quân đội Trung Quốc một lần nữa thông báo tập trận quanh Đài Loan, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2023 - vốn dành ra hàng tỷ USD viện trợ cho Đài Bắc.

Theo giáo sư Da-Jung Li tại Đại học Đạm Giang, Đài Loan, chuyến thăm của bà Pelosi đã làm gia tăng áp lực lên Đài Bắc.

“Áp lực từ máy bay quân sự, tàu hải quân Trung Quốc mạnh mẽ hơn trước đây”, ông nói với DW, chỉ ra điều này sẽ khiến Đài Bắc khó hành động hơn.

chau a 2023 anh 2
Một binh sĩ Trung Quốc theo dõi một tàu của lực lượng đảo Đài Loan trong cuộc tập trận hồi tháng 8. Ảnh: Tân Hoa xã.

Trong khi đó, chuyên gia Amanda Hsiao tại tổ chức nghiên cứu International Crisis Group (ICG), nguy cơ đụng độ sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Giới chuyên gia cũng chỉ ra nếu nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin McCarthy - người nhiều khả năng sẽ đảm nhiệm cương vị chủ tịch Hạ viện Mỹ khóa tới - thăm Đài Loan trong năm 2023, tình hình có thể còn nóng lên.

“Trung Quốc tối thiểu sẽ phản ứng cùng mức độ so với chuyến thăm của bà Pelosi”, bà Hsiao dự đoán. “Họ cũng có thể cảm thấy mình phải phản ứng mạnh mẽ hơn”.

Đông Nam Á

Sang năm 2023, nhiệm vụ chủ tịch ASEAN sẽ thuộc về Indonesia - quốc gia đứng đầu ASEAN cả về diện tích, dân số tới quy mô nền kinh tế. Theo Nikkei Asia, Indonesia sẽ đứng trước ba thách thức lớn: Bất ổn tại Myanmar, tình hình Biển Đông và quá trình kết nạp Đông Timor vào ASEAN.

Gần hai năm sau vụ chính biến tháng 2/2021, tình hình chính trị tại Myanmar vẫn chưa có chiều hướng cải thiện. Trong khi giới quân sự kiểm soát chính quyền trung ương, các phe phái vẫn hoạt động trên khắp đất nước.

chau a 2023 anh 3
Tình hình Myanmar vẫn là vấn đề quan trọng với ASEAN. Ảnh: Reuters.

Trong năm chủ tịch của Indonesia, các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Năm 2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng kêu gọi hoàn thành thỏa thuận này trong năm 2021. Mục tiêu này đã bị trễ ít nhất hai năm.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, các nước ASEAN cũng đã nhất trí về nguyên tắc việc kết nạp Đông Timor - nước láng giềng của Indonesia - làm thành viên thứ 11 của khối. Indonesia là một trong những nước tích cực ủng hộ việc kết nạp Đông Timor.

Jakarta tin tưởng sự ổn định tại Đông Timor sẽ giúp nước này tăng cường an ninh. Indonesia được cho là đang vận động để Đông Timor được kết nạp trong năm 2025.

“Chưa lúc nào năng lực dẫn dắt trong đề ra chiến lược tăng cường an ninh tổng thể của khu vực lại cần thiết như lúc này”, cựu Bộ trưởng Tài chính Indonesia Muhamad Chatib Basri viết trên East Asia Forum.



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn