Món hay được mời ăn để may mắn đầu năm, bác sĩ nói nên tránh

Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết năm 2022, bệnh viện ghi nhận rải rác các ca nhiễm liên cầu lợn, chủ yếu là thể viêm màng não. Bệnh nhân ở các lứa tuổi khác nhau, đến viện với biểu hiện sốt cao, đau đầu, nôn, buồn nôn, nặng hơn là lơ mơ, hôn mê.

Theo bác sĩ Cấp, bệnh liên cầu lợn thường có xu hướng tăng lên vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch. Trong thời gian này, nhiều gia đình mổ lợn để liên hoan tổng kết cuối năm, ăn Tết, có nơi còn có tập tục ăn tiết canh hoặc các sản phẩm tái, sống để gặp may mắn. Tuy nhiên, đây là những thực phẩm có thể khiến người ăn phải đi cấp cứu, thậm chí trả giá bằng tính mạng.

“Một bệnh nhân bị liên cầu lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không. Có những bệnh nhân vì quá nặng mà không thể qua khỏi”, bác sĩ Cấp cho biết.

Thống kê của Bộ Y tế cách đây không lâu cho thấy, khoảng 70% bệnh nhân liên cầu lợn có ăn tiết canh, số còn lại ăn nem chạo sống, tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cũng cho kết quả tương tự, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn từng giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh.

Ngoài liên cầu lợn, ăn thịt lợn chưa nấu chín như thịt tái, thịt chua, nem chua, nem chạo, tiết canh còn có nguy cơ gây ra loạt bệnh lý khác. TS.BS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho hay một trong số đó là giun xoắn, bệnh ký sinh trùng có biểu hiện cấp tính.

Người ăn các món này có nguy cơ nhiễm phải ấu trùng giun xoắn ký sinh trong lợn. Tùy vào mức độ, cường độ nhiễm và số lượng ấu trùng giun xoắn nhiễm phải mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau.



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn