Khi bị lộ thông tin cá nhân trên mạng chúng ta nên làm gì?

Theo các chuyên gia, với tốc độ lan truyền như hiện nay, một khi thông tin đã bị lộ thì việc khôi phục là rất khó. Do đó, khi phát hiện sự cố, người dùng cần rà soát lại hệ thống của mình, tìm lỗ hổng và tiến hành các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn những nguy cơ trong tương lai.

Bên cạnh đó, với những thông tin đã mất, cần nhanh chóng vô hiệu hóa nó để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến bản thân mình và những người khác có liên quan, ông Võ Đỗ Thắng chia sẻ thêm.

Để tự bảo vệ mình giữa xã hội thông tin mạng và nền kinh tế internet rộng lớn, ông Võ Đỗ Thắng khuyên người dùng nên trang bị cho mình những kiến thức an ninh mạng cơ bản.

“Nếu không có kiến thức thì rất dễ bị sập bẫy, giống như bạn chạy xe trên đường mà không biết luật an toàn giao thông thì có thể sẽ gây tai nạn cho người khác hoặc chính bạn là nạn nhân của tai nạn. Khi có kiến thức, người dùng sẽ nhận biết các nguy cơ, cạm bẫy có thể xảy ra và hạn chế được việc rò rỉ thông tin cá nhân”, ông Thắng nói.

Ngoài ra, chuyên gia Trần Quang Chiến chia sẻ mọi người dùng internet nên có ý thức bảo vệ các thông tin, hết sức cân nhắc khi nhập vào bất cứ đâu các dữ liệu cá nhân của mình để tránh các rủi ro hoặc phiền toái không đang có.

"Để phòng tránh, người sử dụng cần cẩn trọng khi cài một ứng dụng mới, không nên cài từ các chợ không chính thống, xem kỹ thông tin về nhà sản xuất. Tốt nhất, cần trang bị phần mềm an ninh cho điện thoại di động để được bảo vệ một cách tự động". 

"Trong trường hợp phát hiện điện thoại di động có mã độc hoặc thông tin, dữ liệu cá nhân của mình đã bị lộ, người dùng cần ngay lập tức đổi mật khẩu các dịch vụ trực tuyến như tài khoản ngân hàng, email, trang mạng xã hội… và nhờ sự trợ giúp của đội ngũ kỹ thuật", ông Ngô Tuấn Anh nói.

anh-bao-lao-dong.jpg
Ảnh: minh họa

Buôn bán dữ liệu cá nhân bị xử lý thế nào?

Theo TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là quy định thuộc nhóm quyền nhân thân được ghi nhận trong Bộ luật dân sự.

Điều 22 Luật công nghệ thông tin quy định tổ chức, cá nhân không được cung cấp thông tin cá nhân của người khác cho bên thứ ba và cá nhân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm trong việc cung cấp thông tin cá nhân.

Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Quyền bí mật cá nhân được pháp luật bảo vệ ở ba chế tài xử lý đó là chế tài dân sự, chế tài hành chính và chế tài hình sự.

Ở chế tài dân sự: Bộ luật dân sự 2015 quy định về các quyền được yêu cầu tòa án buộc bên xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại và các yêu cầu khác.

Ở chế tài xử lý vi phạm hành chính: Điều 65 Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm bảo vệ thông tin người tiêu dùng quy định mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành như: sử dụng thông tin của người tiêu dùng không phù hợp với mục đích đã thông báo; chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng…

Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt đối với trường hợp thông tin có liên quan là thông tin thuộc về bí mật cá nhân của người tiêu dùng.

Ở chế tài xử lý về trách nhiệm hình sự: người có hành vi xâm phạm đến bí mật cá nhân, bí mật đời tư hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 125 Bộ luật hình sự 1999 và điều 159 Bộ luật hình sự 2015; điều 266 Bộ luật hình sự 1999, điều 288 Bộ luật hình sự 2015.



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn