Mùa săn 'nhân sâm của biển'

Dọc ghềnh đá Châu Me (Đức Phổ, Quảng Ngãi) mùa này có nhiều người tìm tới ngụp lặn săn nhum biển. Dẫu trưa nắng, trên lấp lóa sóng bạc vẫn thấy những bong người hòa cùng con nước. 

Đặc sản ghềnh đá

Ngư dân địa phương thường gọi con nhum với tên gọi khác là cầu gai hay nhím biển. Nhum biển còn được ví như “nhân sâm của biển”, không chỉ được chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ mà còn được coi là bài thuốc tăng cường sức khỏe.

Bên ngoài nhum biển tua tủa gai nhưng trong thân lại là lớp thịt vàng ươm, thường gồm 12 múi cả trứng và thịt. Lâu nay, nhum biển với ưu điểm bổ dưỡng cao và ngon miệng đã trở thành đặc sản được nhiều người ưa thích. Từ tầm khoảng 8 giờ sáng đến 4-5 giờ chiều mỗi ngày, khu vực các ghềnh đá gần bờ vùng biển này có rất đông ngư dân hành nghề lặn săn nhum biển.

Mùa săn 'nhân sâm của biển' - 1

Vào mùa săn nhum biển

Ngư dân Lê Văn Chính cho biết vùng biển này thường có 4 loại là nhum đen, nhum giang, nhum bạc và nhum bắn. Dụng cụ để săn nhum biển khá đơn giản, chỉ vỏn vẹn một đoạn sắt to cỡ nửa ngón tay út, dài từ 0,4- 0,6m hoặc dài hơn một chút khi lặn ở những đoạn nước sâu, với một đầu được bẻ cong như lưỡi câu và đầu kia cắm vào cán gỗ, giỏ đựng buộc xốp xung quanh cho nổi trên mặt nước và kính lặn cùng bình hơi là có thể hành nghề.

Những người săn nhum như ông Chính bắt đầu ngày làm việc từ 8h sáng, nghỉ trưa trên ghe, sau đó tiếp tục làm việc đến chiều mới trở về nhà. Khi chọn được địa điểm bắt nhum, thường cách bờ khoảng 100 thước, người thợ lặn sẽ vào việc. Nhum thường sống ở vùng biển cạn, nước trong, có nhiều rong rêu hoặc san hô hay đá ngầm. Nhiều ngư dân nơi đây cho biết, việc săn bắt nhum có thể diễn ra quanh năm, trừ những khi biển động, sóng to và nước đục. Ở Quảng Ngãi có nhiều vùng biển có nhum như vùng đảo Lý Sơn, vùng Gành Yến (huyện Bình Sơn) hay vùng biển Châu Me. Ước tính, chỉ riêng ở xã Phổ Châu có khoảng 50 hộ dân ở các thôn Tấn Lộc, Châu Me, Vĩnh Tuy và Hưng Long mưu sinh với nghề lặn bắt nhum biển. Nhum thường xuất hiện ở khu vực gành Trọc, gành Nhu – hai lũy đá ở hai đầu bãi biển Châu Me là nơi “bám đá” của loài nhum biển. Bình quân mỗi ngày ngư dân nơi đây khai thác khoảng 60 đến 80kg thịt, trứng nhum thương phẩm.

Từ bao năm qua, khu vực các gành đá ven biển trở thành nơi cư ngụ, sinh sôi của loài nhum. “Lộc biển” này không chỉ mang lại thu nhập cho người dân địa phương mà một số người ở vùng khác cũng tìm đến khai thác. Thế nhưng, thời gian săn bắt chính vụ hằng năm ở đây thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8 dương lịch. Bởi lẽ, vào thời gian này, nhum có nhiều thịt nhất và ngon nhất. Những tháng còn lại trời mưa, sóng to gió lớn nên rất khó để bắt nhum. Hơn nữa, nhum cũng không “mập”, ít thịt nên không được ưa chuộng nhiều như “chính vụ”. Những con nhum biển sau khi bắt lên bờ, người ta dùng dao để tách làm đôi, sau đó nạo phần ruột và vứt phần vỏ. Theo kinh nghiệm của ngư dân, để có thịt nhum ngon, việc tách ruột nhum phải hết sức tỉ mỉ, tách làm sao không để thịt lẫn với ruột và gân máu.

Lặn đầu ngọn sóng

Những con sóng nối tiếp vờn đuổi nhau từ khơi xa vỗ vào bờ. Bóng dáng người săn nhum nhấp nhô, ẩn hiện giữa sóng nước cách bờ chừng vài chục mét. Chiếc kính lặn giúp người thợ phát hiện nhum bám vào ghềnh đá đón bắt thức ăn là những loài tảo lơ lửng trong nước. Người thợ dùng móc sắt giật mạnh cho nhum rơi khỏi đá và nhặt lấy rồi ngoi lên bỏ vào rổ nhựa gắn phao. Chiếc rổ đầy nhum được kéo vào bờ cùng nụ cười thu hoạch.



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn