Người phụ nữ Hà Nội hơn 50 năm lưu giữ kỷ vật của người yêu cũ

Người phụ nữ Hà Nội hơn 50 năm lưu giữ kỷ vật của người yêu cũ - 7

Chiếc khăn tay hình bông hồng tím thủy chung bà Liên thêu tặng người yêu năm 1967, trở thành mật ước giữa hai người.

3h30 chiều, ông Tiến về đơn vị, bà Liên đạp xe ngược lên Sơn Tây, rồi 5h kém 15, quay lại đường Sơn Tây - Hà Đông. Trên đường là những chiếc xe tải phủ đầy lá ngụy trang, bà thong thả đạp xe, "không biết anh Tiến ở xe nào?".

Khi đó, ông Tiến ở hàng cuối xe ngóng người yêu. Biết rằng giờ phút chia tay là mất người yêu vĩnh viễn, bà Liên chẳng nói được gì, nước mắt chỉ chực trào ra.

"Đừng khóc em nhé! Đừng khóc", ông Tiến đứng bên bà, nói nhỏ.

Không thể chịu được nữa, bà xin phép về. Vừa quay đi, người con gái òa khóc nức nở.

Tình yêu trong những giấc mơ

Sau khi đi B, ông Tiến vẫn thường xuyên gửi thư về cho người yêu, kể những khó khăn, gian khổ trên đường hành quân nắng cháy da thịt, đêm mưa tầm tã, những câu chuyện đời thường, đến từng lời hỏi thăm, nhắc về nỗi nhớ tình yêu trai gái.

Thư đi một chiều, bà Liên không thể hồi đáp, do không biết địa chỉ đóng quân của ông.

Đêm 31/5/1968, trong giấc mơ, bà Liên thấy ông Tiến mặc quân phục bê bết bùn đất và sạm đen khói súng. Khuôn mặt người lính chảy đầy máu, hai người dìu ông đi ra từ một rừng lửa cháy chưa tắt….

Sáng dậy, bà kể lại với người thân và khóc hết nước mắt. Ai cũng khuyên đừng vội tin vào ác mộng, nhưng bà khẳng định "Anh ấy đã hi sinh rồi".

Đau khổ và tiều tụy đến cùng cực, nhưng bà vẫn không dám ghi điều này vào trong nhật ký, nhen nhóm hi vọng "anh sẽ về!".

Trên thực tế, ngày 27/5/1968, ông Tiến viết thư về, nhưng đề "chiều 31/5/1968", dự cảm cái chết cận kề. Toàn bộ ảnh chụp chân dung trước đó ông đều không cười, khuôn mặt nghiêm nghị, dặn bà Liên "Em giữ cho anh, để mai này anh không trở về, bố mẹ còn nhìn thấy anh".

Người phụ nữ Hà Nội hơn 50 năm lưu giữ kỷ vật của người yêu cũ - 8
Người phụ nữ Hà Nội hơn 50 năm lưu giữ kỷ vật của người yêu cũ - 9

Bức thư như một bản "di chúc" nghẹn ngào.

"Linh cảm mách bảo anh rằng đêm nay anh sẽ không trở về và cuộc đời anh sớm hiến dâng cho Tổ Quốc. Anh không ân hận điều gì, sống và hành động theo lý tưởng của Đảng và Tổ Quốc giao cho.

Lưu Liên yêu dấu của anh! Như những lá thư trước, anh dặn dò em, bây giờ anh nhắc lại.

Đối với bố mẹ anh, em năng đi lại như khi anh còn ở ngoài Bắc. Bố mẹ anh nghèo nhưng tình cảm không nghèo, vả lại khi thấy em, bố mẹ anh cũng đỡ buồn và nhớ anh hơn.

Đối với Kim - em gái anh, em luôn động viên nó thay anh.

Đối với bố mẹ em, đừng giận các cụ nữa, thật ra không ai muốn con mình khổ cả. Em phải thật cảm thông cho bố mẹ, nghe anh, về thăm các cụ và thật lòng anh mong như vậy. Anh tiếc và buồn chưa được một lần ngồi xuống uống nước giãi bày để các cụ cảm thông cho cuộc đời người lính chiến.

Trước khi ra trận, anh gửi lại đơn vị một số thứ, em hãy giữ lấy, trong chiếc balo có: Một giấy sinh hoạt Đảng, một quyển nhật ký, mấy lá thư của em hẹn anh về, mấy cái ảnh của anh và em, chiếc khăn thêu bông hồng tím thủy chung.

Anh giao tận tay người bạn, dặn dò: "Tất cả tiền tuyến và hậu phương ở trong đó, nếu tôi không trở về thì bằng mọi cách anh phải thông báo cho Lưu Liên biết. Anh cứ trao chiếc khăn này là Lưu Liên biết phải làm gì…".

Lưu Liên thân yêu! Anh yêu em vô cùng, càng vào nơi ác liệt càng nhớ thương em. Anh biết em cũng vậy, nhưng không vì thế mà anh rời bỏ đội ngũ chiến đấu.

5 năm yêu nhau, em đã cho anh bao vị ngọt của tình yêu. Anh thành thật cảm ơn và tôn trọng em. Anh không trở về, em sẽ hụt hẫng và đau khổ vô cùng. Nhưng em ơi, đừng buồn phiền quá mức, hãy lấy công việc, học tập làm niềm vui và cứ coi như anh đã đi xa, thời gian rồi sẽ xoa dịu mọi vết thương em ạ.

Em sống hạnh phúc là đời anh hạnh phúc.

Anh đi đây

Hôn em

Minh Tiến". 

Ngày 19/1/1969, gia đình nhận được giấy báo tử của liệt sĩ Trần Minh Tiến. Người lính ngã xuống trong một trận đánh đẫm máu tại đồi làng Cát, Khe Sanh (Quảng Trị).

Trận đó, tiểu đoàn của ông Tiến đã tiêu diệt được 2 đại đội kỵ binh bay thiện chiến của địch, nhưng cũng gần 1/4 chiến sĩ không trở về.

Chiếc khăn tay thêu bông hồng tím thủy chung và những kỷ vật khác của ông, cũng đã trở về trong nỗi đau tột cùng.

Ngồi nép vào góc nhà, mắt nhìn vào khoảng không vô định, tay bà Liên mân mê chiếc khăn tay.

"Nó đã trở về mà không có anh. Không còn một chút hi vọng nào", người con gái ngồi lặng im, không một giọt nước mắt, dù rất muốn gào thật to để mọi người biết bà đau khổ nhường nào.

Bà ngồi lặng như vậy cho đến khi có người đập vào vai, bảo ra đình làm lễ truy điệu. Bà đi trong vô định, ra đến đình thấy ảnh của liệt sĩ Trần Minh Tiến một dải băng đen chéo qua, nước mắt bà cứ thế chảy.

Sau lễ truy điệu, bà Liên quyết định đem "hóa" tất cả số thư và nhật ký mà bà đã viết xung quanh mối tình của hai người, hi vọng ở "thế giới bên kia", ông biết bà cũng yêu ông cuồng nhiệt. Một số trang may mắn còn sót lại.

Người phụ nữ Hà Nội hơn 50 năm lưu giữ kỷ vật của người yêu cũ - 14

Nhớ về những kỷ niệm ngày xưa, đôi lần, bà Liên rưng rưng như muốn khóc.

"Kỷ vật của liệt sĩ mà lỡ mất, thì em sẽ hận anh suốt đời"

Ông Nguyễn Doãn Hùng, một sĩ quan trẻ, đã đến với bà Liên vì đồng cảm với một tình yêu chân thành, muốn bù đắp cho bà.

Đám cưới của họ được tổ chức cuối năm 1969, nhưng bà Liên không giấu giếm rằng bao nhiêu tình cảm đã dành hết cho liệt sĩ Trần Minh Tiến. Bà hứa với chồng sẽ là một người vợ tốt, một người mẹ tốt, còn tình yêu… thì để thời gian trả lời.

Tháng 8/1971, miền Bắc hứng chịu trận lụt kinh hoàng, gia đình bà Liên trước đó đã sơ tán về Quốc Oai. Khi lo chạy lụt, ông Hùng đã bỏ lại tư trang, quần áo và nhiều tài sản đắt tiền khác để lo thu vén, mang bằng được vali đựng kỷ vật như thư, nhật ký, ảnh của liệt sĩ Trần Minh Tiến về cho vợ.

Bà Liên ngạc nhiên hỏi: "Sao anh không mang đài và quạt, là tài sản đắt tiền hơn?".

"Những thứ đó trôi mất thì còn sắm được, còn kỷ vật của liệt sĩ mà lỡ mất, thì em sẽ hận anh suốt đời", ông Hùng nói.

Bà ôm chồng và bật khóc. Họ đã thật sự trở thành vợ chồng, thương yêu nhau từ ngày đó.

Ông Hùng trân trọng và yêu thương quá khứ của vợ, cũng dành một tình cảm đặc biệt với người đồng chí chưa từng một lần gặp mặt.

Người phụ nữ Hà Nội hơn 50 năm lưu giữ kỷ vật của người yêu cũ - 15

Trong gian phòng thờ của gia đình, bà Liên dành một góc bàn thờ tưởng nhớ liệt sĩ Trần Minh Tiến.

Khi con cái đã lớn khôn, từ năm 2000, bà Liên bắt đầu tìm mộ liệt sĩ Trần Minh Tiến ở Quảng Trị, giữ đúng lời hứa: "Nếu mai anh không trở về, hòa bình em sẽ đi kiếm anh".

Thời gian đầu, bà tìm kiếm mông lung, không thể tiếp cận nhiều thông tin. Trên giấy báo tử chỉ ghi "hi sinh ở mặt trận phía Nam", do không biết chính xác nơi ông nằm lại, bà chỉ đành đến các nghĩa trang, hoặc theo các đoàn vào Quảng Trị với những hi vọng mong manh.

Ròng rã 8 năm, khoảng 50 chuyến đi từ Hà Nội vào Quảng Trị, mãi đến ngày 7/5/2008, trong chuyến đi về sườn đồi Bằng phía Tây làng Cát, xã ĐaKrông, huyện ĐaKrông (Khe Sanh, Quảng Trị), bà Liên cảm giác "ông Tiến nằm đâu đây".

Quả đồi trọc, vẫn còn hầm chữ A, hố bom. Phần mộ bằng phẳng, được xếp đá xung quanh. Khi đào được một phần hài cốt liệt sĩ, bà Liên vẫn chưa chắc chắn liệu đây có phải ông Tiến, cho đến khi kỷ vật hiện ra dưới lớp đất.

 "Tôi nghẹn ngào không nói được câu nào rồi cứ thế mà khóc khi nhìn thấy chiếc đèn ba pin Trung Quốc. Đó là món quà tôi tặng anh ấy năm 1966", bà gào khóc giữa rừng, đau đớn và tuyệt vọng hơn cả khi nhận giấy báo tử.

Ngày 8-9/5/2008, lễ truy điệu liệt sĩ Trần Minh Tiến được tổ chức long trọng tại huyện ĐaKrông (Quảng Trị) và an táng tại nghĩa trang Đường 9 để ông yên nghỉ cùng đồng đội.

54 năm kể từ ngày người yêu hi sinh, bà Liên vẫn âm thầm ngồi viết tiếp những lá thư tình, rồi "hóa vàng".

54 năm, trở về cuộc sống hiện tại, bà cảm ơn cuộc đời đã dành cho mình hai người đàn ông yêu thương hết lòng, là liệt sĩ Trần Minh Tiến và người chồng hiện tại - ông Nguyễn Doãn Hùng.

"Khi quy tập được hài cốt liệt sĩ Tiến về nghĩa trang, năm nào nếu sức khỏe đảm bảo, chồng tôi lại cùng vợ vào nghĩa trang thắp hương cho liệt sĩ. Có năm, cả gia đình, mấy chục người cùng vào Quảng Trị", bà Liên nói họ đều xem liệt sĩ Trần Minh Tiến vẫn đang "sống" như một thành viên chính thức trong gia đình.

"Nếu không có sự cảm thông và lòng cao cả của chồng, thì tôi đã không làm được. Tôi biết ơn ông đã luôn ủng hộ vợ đi tìm hài cốt liệt sĩ, tạo điều kiện để tôi thực hiện những ước muốn còn dang dở của người lính", bà nghẹn ngào.

Người phụ nữ Hà Nội hơn 50 năm lưu giữ kỷ vật của người yêu cũ - 16

Bà Liên cảm ơn cuộc đời dành cho bà hai người đàn ông yêu thương hết lòng.

Đến năm nghỉ hưu, cũng là lúc ông Hùng đổ bệnh. Bà Liên toàn tâm toàn ý chăm sóc, động viên và cầu mong chồng đỡ bị đau đớn.

Còn ông Hùng, hơn 50 năm, vẫn một tình yêu sắt son với người vợ tảo tần của mình.

"Tôi may mắn lấy được người phụ nữ rất chung thủy, mà đến bây giờ, chúng tôi vẫn yêu nhau, càng ngày càng yêu nhau tha thiết", ông nói.

Nội dung: Minh Nhân - Mạnh Quân

15/09/2022



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn