Đạo đức cán bộ và… tiền lẻ

Câu chuyện tóm lược chỉ đơn giản có thế nhưng đã khiến dư luận sôi sùng sục không phải là không có nguyên do. Thực tế, nguồn cơn của câu chuyện khởi đầu từ một việc rất nhỏ mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày khi đi mua hàng và được thối lại tiền dư bằng tiền lẻ. Nếu số tiền dư là lớn, cũng có người cảm thấy khó chịu khi phải nhận lại toàn tiền lẻ. Nhưng với số tiền 45.000 đồng (theo lời ông P.), chắc hầu hết mọi người đều cảm thấy bình thường và không có gì đáng phải làm ầm ĩ cả!

Cũng cần nói thêm rằng, tiền lẻ hay tiền chẵn chỉ là cách gọi dân dã trong cuộc sống hàng ngày, còn trong các quy định chính thức không có những khái niệm này. Tiền chẵn hay tiền lẻ thì cũng đều là đồng tiền pháp định của nước CHXHCN Việt Nam, có khác chăng chỉ là về kích thước, hình thức và mệnh giá. Thế nên, hà cớ gì ông P. lại cho rằng việc con ông được thối toàn tiền lẻ là “bị đối xử không tốt”? Phải chăng ông cho rằng tiền lẻ chỉ dành cho người nghèo (?).

Nếu việc chủ quán thối lại toàn tiền lẻ diễn ra trước mắt khiến ông P. phản ứng ngay lúc đó thì còn có thể lý giải rằng hành động của ông là do cảm xúc bột phát nhất thời, do “giận quá mất khôn”. Đằng này, sự việc diễn ra từ chiều hôm trước, sáng hôm sau ông mới hùng hổ đến quán và ném tiền. Như vậy, có thể nói hành động của ông P. đã có sự chuẩn bị từ trước và là do bản tính cá nhân.

Cha ông ta khuyên: “Một điều nhịn là chín điều lành”. Trong cuộc sống, nếu biết nhẫn nhịn, chịu thiệt một chút, nhiều khi chúng ta sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc. Ngược lại, nếu thiếu sự kiềm chế, để cơn nóng giận lấn át, “chuyện bé xé ra to” thì việc phải nhận những hậu quả đáng tiếc là điều không có gì lạ!

Cứ cho rằng nếu thực sự cảm thấy con mình “bị đối xử không tốt” khi phải nhận tiền lẻ, ông P. hoàn toàn có thể góp ý hoặc nói chuyện phải quấy một cách đàng hoàng với chủ quán. Chẳng có lý lẽ nào có thể biện minh cho việc ông lớn tiếng gọi tiền là “rác” và ném tiền tung tóe như vậy. Giả sử ông là người giàu có nên chỉ quen tiêu xài tiền chẵn, ông cũng không thể tự cho mình cái quyền nói năng và hành xử một cách hồ đồ như vậy!

Không chỉ lớn giọng dọa dẫm, “người nhà ông” còn kéo đến và, theo hình ảnh trích xuất từ camera, một người trong số họ đã có thái độ hành hung khi tát 2 cú khá mạnh vào mặt một nhân viên của quán nhưng may mà người này đã né kịp.

Rõ ràng cách hành xử của ông P. là rất khó chấp nhận đối với một người bình thường, chứ chưa nói đến một cán bộ đảng viên. Dưới góc độ pháp lý, đây là hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của cán bộ với người dân, thể hiện thái độ coi thường người dân, có dấu hiệu vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức nên cần phải được xử lý.

Không chỉ vậy, với việc gọi tiền lẻ là “rác’ và ném tiền tung tóe, ông P. có dấu hiệu vi phạm một trong những hành vi bị cấm được quy định rõ tại khoản 3, điều 23 luật Ngân hàng Nhà nước, cụ thể là “Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành”.

Thực tế cho thấy thái độ ứng xử của một con người đối với đồng tiền cũng phần nào chứng tỏ bản chất và văn hoá của người đó. Sau khi vụ việc xảy ra, thay vì tự nhìn nhận lại hành động của bản thân và có lời xin lỗi với chủ quán, ông P. lại cố tình lấp liếm, biện minh cho hành động của mình, bất chấp diễn biến sự việc đã được camera ghi lại rõ ràng.

Một người hành xử sai trong cơn nóng giận còn có thể thông cảm được, nhưng một người cố tình “đổi trắng thay đen” để bao biện cho hành vi của mình thì không đáng được cảm thông.

Một con người thiếu tính chính trực như thế có đủ tư cách để làm cán bộ hay không? Nếu căn cứ vào các quy định hiện hành, ông P. có thể chỉ phải nhận hình thức kỷ luật hành chính, nhẹ thì khiển trách, nặng thì cảnh cáo. Nhưng nếu xét về mặt tư cách đạo đức, ông P. có xứng đáng đứng trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên hay không?

Với những bằng chứng không thể chối cãi, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ sớm làm rõ bản chất vụ việc để có hình thức xử lý thỏa đáng. Cho dù kết quả vụ việc thế nào, ông P. cũng sẽ mất nhiều hơn được. Một người chỉ vì mấy đồng tiền lẻ mà đã cư xử hồ đồ, thiếu chuẩn mực như vậy trong giao tiếp hàng ngày với người dân thì sẽ cư xử ra sao trong hoạt động công vụ, khi ông ta ngồi trên chiếc ghế cán bộ?

Doãn Hữu Tuệ



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn