Lên mạng gặp 'thần y'

Sau khi nạn quảng cáo thần dược chữa bách bệnh và khẩu ngữ quen thuộc “nhà tôi ba đời…” của các thần y “dởm” bị mổ xẻ, phanh phui, tình trạng trên có phần lắng xuống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, “tập đoàn” này lại trỗi dậy dưới nhiều vỏ bọc và hình thức khác nhau, len lỏi, đi sâu vào mọi ngóc ngách của cuộc sống.

“Bình mới rượu cũ”

Không còn câu cửa miệng quen thuộc “nhà tôi ba đời...” nữa, các “thần y” bây giờ xuất hiện với một danh xưng đơn giản và gắn với đời thường hơn như: “Bà Năm bốc thuốc hen suyễn”, “ông Tiến chữa xương khớp”, “chị Nhung chuyên gan, thận”... Câu “sologan” xoáy vào lòng người là “100% khỏi hẳn, không tái phát và cam kết không hết bệnh trả lại tiền”.

Lần theo số điện thoại chạy trên quảng cáo tại YouTube, chúng tôi được một “y sĩ” tên Tuấn làm việc cho “ông Tiến chữa xương khớp” tiếp chuyện. Trước khi vào chuyện, “y sĩ” Tuấn giới thiệu bao quát về “thần y” Tiến nổi danh trong lĩnh vực xương khớp không chỉ tại Việt Nam mà còn ra cả thế giới. Rằng, “thầy Tiến” xưa kia là lương y tại vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, đã chữa cho không biết bao nhiêu người mà kể, cứ nhìn các cụ già vùng cao ngày ngày đi rừng cuốc đất, lội xuống bắt tôm cua là biết họ khỏe thế nào, một phần do “thầy Tiến” truyền bí quyết cả.

Lên mạng gặp 'thần y' - 1

Một trong nhiều hình thức quảng cáo thuốc chữa bệnh trên mạng xã hội

Các loại cây thuốc quý thầy thuộc như lòng bàn tay và nắm giữ công thức pha chế thuốc duy nhất. “Y sĩ” Tuấn là một trong 10 đệ tử chân truyền của thầy. Sau khi quảng cáo về “thần y” của mình xong, “y sĩ” Tuấn mới đi vào vấn đề chính là quảng cáo về bài thuốc. Ở đâu không biết, riêng về xương khớp thì không ai qua mặt được ông Tiến cả. Tất tần tật các loại về xương như: Thoái hóa, vôi hóa, thoát vị... cho đến gãy, giập, viêm nhiễm... đều là bệnh của “thầy Tiến” và đều khỏi hoàn toàn, không tái đi tái lại. Các ca nặng bệnh viện “chê” cũng đều khỏi hoàn toàn.

Đối với bệnh thoái hóa, uống 3 thang trong vòng 3 tháng là ngon lành, xương khỏe và chắc như thanh niên, thoát vị địa đệm thì phải uống phục hồi địa đệm, sau đó mới dùng đến thuốc chắc xương, liền sụn. “Y sĩ” Tuấn cho biết, ở chỗ “thầy Tiến” không bao giờ phải quay lại lần hai nên người bệnh cứ yên tâm, chỉ phải chi một lần tiền duy nhất là 1,2 triệu đồng cho liệu trình xương thoái hóa, 1,5 triệu đồng thoát vị đĩa đệm, 600.000 đồng viêm khớp và gãy xương...

Hình thức giao nhận cũng giống như bao dịch vụ khác thời đại 4.0 là shipper, nhận hàng xong, gửi tiền. Chúng tôi hỏi, bệnh nhân nặng cần điều trị dài ngày nên muốn tới nhà thuốc để thầy thăm khám. “Y sĩ” Tuấn ngắt lời ngay: “Thầy không có thời gian thăm khám và cũng không tiếp bệnh nhân tại nhà. Thầy không có thời gian vì phải nghiên cứu thuốc và bào chế. Với lại, bệnh về xương đã có kết quả chẩn đoán từ phim chụp ở bệnh viện nên không cần khám xét thêm”.

Những lời quảng cáo “ngọt” như mật rót vào tai khiến cho người bệnh dù vững lòng đến đâu cũng phải tin nghe. Mặt khác, “có bệnh thì vái tứ phương”, trước khi tìm đến những ông thầy Đông y, đa số người bệnh đều đã đến bệnh viện ít nhất một lần.

Từng dùng thuốc của “ông Tiến xương khớp”, bà Hoàng Thị Lan (68 tuổi, ngụ Đắk Nông) cho biết, bệnh tình của bà thấy đỡ hơn trước kia. Khớp xương không còn kêu răng rắc nữa và ban đêm đã ngủ được.

Sau 3 tháng, bà Lan liên hệ lại với “thầy Tiến” muốn mua thêm một liệu trình nữa nhưng được khuyên dừng lại, nếu đỡ rồi thì phải tự phục hồi bằng cách tập luyện và nghỉ ngơi. Nghe nhà thuốc nói vậy, bà Lan tự nghĩ họ có tâm, ít ra không cố tình bán thêm thuốc để nhận tiền. Hai tháng sau khi không dùng thuốc xương khớp, bà Lan cảm thấy người mệt mỏi, hai bàn chân phù nề. Bà đi bệnh viện tỉnh khám thì phát hiện bị viêm thận, ứ nước tại thận. Bà phải nằm viện điều trị. Về nhà được nửa tháng, bà Lan cảm thấy bụng đau âm ỉ, buồn nôn, khó tiêu, lại phải đi viện. Bác sĩ chẩn đoán bà bị áp xe gan. Con cái lo lắng, đưa bà vào TP.HCM điều trị. Bà Lan không biết vì đâu mà bệnh tật xảy đến liên miên như thế, trước kia chỉ đau xương khớp thôi, sau thời gian uống thuốc thì sinh ra nhiều bệnh. Chưa có kết luận bệnh phát sinh do bà Lan dùng thuốc xương khớp hay không, tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh - Viện Y dược học dân tộc, cần phải có tổng khám, xét nghiệm để tìm nguyên nhân nhưng trước mắt khuyên bà Lan không dùng thêm thuốc của “thần y” nữa để tập trung điều trị các bệnh cấp tính.



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn