Thiếu tá Cao Thị Giang, công tác tại phân trại số 1, trại giam Ngọc Lý, cho biết, các nữ phạm nhân sẽ được dạy nghề trong một tháng, sau đó căn cứ khả năng của từng người để phân chia công việc. "Việc lao động trong trại giam không chỉ là thước đo đánh giá quá trình thi hành án mà còn cung cấp kỹ năng, nghề nghiệp cơ bản để họ tìm công việc lương thiện, nuôi sống bản thân sau khi ra trại", Thiếu tá Giang nói.
Thời gian lao động, học nghề giúp các phạm nhân trầm tĩnh, kiên trì hơn trong quá trình cải tạo. Ngoài ra, khi chăm chỉ lao động, họ biết trân trọng thành quả của mình và người khác.
Phạm nhân Q., 24 tuổi, quê Bắc Ninh, vào trại từ năm 2021 với án 5 năm về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy". Tại trại giam Ngọc Lý, Q. ở phân trại số 1 và được phân vào tổ lao động làm túi. "Thời gian đầu được phân loại, sắp xếp vào xưởng may, tôi phải cố gắng học từng chút một. Nhưng chỉ sau vài tháng, tôi đã thành thạo công việc được giao. Cảm ơn các quản giáo vì đã giao cho tôi công việc phù hợp. Tôi sẽ cố gắng lao động, cải tạo thật tốt để có thể sớm trở về đoàn tụ với gia đình và sửa chữa lỗi lầm mình đã gây ra", nữ phạm nhân 24 tuổi nói.
Các phạm nhân lao động dưới sự giám sát, quản lý của cán bộ trại giam.
Theo quy định, thời gian lao động của các phạm nhân không quá 8 giờ một ngày và 5 ngày trong một tuần, được nghỉ vào Chủ nhật, lễ, Tết theo quy định.
Theo điều 32 Luật Thi hành án Hình sự, phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng. Phạm nhân nữ được bố trí làm công việc phù hợp với giới tính, theo quy định của pháp luật về lao động.
Nguồn: Vietbao