Nỗi buồn những đứa trẻ tập làm mẹ trên cao nguyên

Cũng như Lùng hay H’Liêng, Pya bây giờ cũng chẳng biết làm gì ngoài việc suốt ngày chỉ ở nhà bồng con, việc ăn uống cũng một tay mẹ của em lo hết. Lập gia đình nhưng hai vợ chồng cùng con nhỏ vẫn sống phụ thuộc vào bố mẹ hai bên. Bản thân Pya cũng chưa bao giờ lên rẫy, xuống suối nên chẳng biết làm gì ngoài việc chăm con, chờ chồng về.

Nỗi buồn những đứa trẻ tập làm mẹ trên cao nguyên - 4

Thiếu nữ Pya về ở chung với anh chàng làng bên Rơ Châm Dên khi vừa bước sang tuổi 15.

Điều khiến tôi bất ngờ hơn là khi được hỏi về việc gia đình có cấm cản khi hai em tới với nhau không thì Pya cười vô tư và cho biết mẹ của em - chị Býi (34 tuổi) cũng lấy chồng khi chưa đủ tuổi.

Nhắc nhớ lại, năm 2004, anh Ksor Mlíu (hiện 36 tuổi) từ làng kế bên qua chơi rồi gặp nhau, nên duyên với chị Býi. Ngày đấy, chị Býi cũng như con gái của mình bây giờ, về nhà chồng khi mới bước sang tuổi đẹp nhất cuộc đời. Thời điểm ấy, bản thân chị Býi không biết lấy chồng khi chưa đủ tuổi là sai vì thời đấy ai chả lấy chồng sớm như chị. Sau 2 năm kết hôn, chị Býi sinh Pya và có thêm một người con nữa năm nay 14 tuổi.

Pya còn quá vô tư để làm mẹ nên ngoài trọng trách là bà, chị Býi bây giờ còn có nhiệm vụ chăm sóc cả đứa cháu nhỏ mới lọt lòng. Trong ánh mắt của chị Býi nhìn con gái, tôi có thể cảm nhận được nỗi lòng của người mẹ đã một lần lỡ dại, để rồi Pya cũng học theo mình, lấy chồng khi còn chưa biết những trọng trách mà mình phải mang. Có lẽ, điều mà một người mẹ như chị Býi hy vọng nhất bây giờ là con gái mình được hạnh phúc để mình cũng phần nào vơi bớt được những ăn năn trong quá khứ.

Khai sinh trước, đăng ký kết hôn sau

Tình trạng “bố mẹ trẻ con” theo kiểu khai sinh trước, khi nào đủ tuổi quy định thì đi đăng ký kết hôn đang diễn ra ở hầu hết các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, những con số thống kê hằng năm vẫn chưa thể nào phản ánh hết tình hình.

Già làng Puih Duch (làng Jut 2) cho hay đa số các cặp tảo hôn ở Tây Nguyên đang học các lớp cuối cấp của bậc trung học cơ sở. Nhiều trường hợp các em đang học, bố mẹ ngăn cấm yêu đương thì sử dụng mạng xã hội để làm quen, hẹn hò. Có tình trạng dọa tự tử nếu bố mẹ không cho yêu đương, cưới hỏi.

Mặc dù có nhiều trường hợp cấp ủy, chính quyền đã kịp thời phát hiện và trực tiếp đến tận nhà nhắc nhở, nhưng rồi “đâu lại vào đấy” bởi tư tưởng “không cho mình cũng lấy”. Do không đăng ký kết hôn được nên các cặp vợ chồng trẻ khi sinh con, làm giấy khai sinh chỉ có họ tên mẹ.

“Khi đã đủ tuổi, các cặp này mới lên xã đăng ký kết hôn. Sau đó để hợp thức hóa, các cặp này lại làm thủ tục nhận cha con, khi đó giấy khai sinh mới có cả tên cha lẫn tên mẹ”, già làng Puih Duch cho hay.

Nỗi buồn những đứa trẻ tập làm mẹ trên cao nguyên - 5

Tình trạng trong một gia đình cả mẹ và con đều kết hôn trước tuổi cho phép không phải hiếm ở các tỉnh Tây Nguyên.

Ông Cao Phi Văn, Chủ tịch xã Đắk Tơ Ver cho biết: “Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã vẫn đang xảy ra. Ai cũng biết tảo hôn là vi phạm pháp luật nhưng việc xử lý cũng rất khó khăn, vì có nhiều trường hợp họ giấu, không thông báo. Thông qua những buổi họp làng, các tổ chức, đoàn thể của xã đã tích cực vận động cha mẹ quan tâm nhắc nhở con cái, không cho các cháu chưa đủ tuổi lấy nhau nhưng tình trạng tảo hôn vẫn chưa chấm dứt tuyệt đối”.

Lối thoát nào cho vòng xoáy tảo hôn?

Già làng Puih Duch cũng không khỏi trăn trở khi cho biết vài năm gần đây, “vợ chồng trẻ con” lấy nhau giống như một trào lưu. Thông qua mạng xã hội, những mối quan hệ nhanh chóng được mở rộng, vượt ra khỏi không gian nhỏ hẹp của làng.

“Ngày trước, nam nữ thanh niên còn mất thời gian đi chơi qua lại để tìm hiểu chứ bây giờ “công đoạn” này được rút ngắn rất nhiều. Chỉ cần qua bạn bè, người thân, chúng kết nối Zalo, gọi điện tán tỉnh, rồi à ơi những lời yêu đương, gửi hình ảnh cho nhau. Khi chúng ưng nhau thì “chuyện đã rồi”, ba mẹ buộc phải cho chúng về ở với nhau.

Làng chỉ xử phạt những trường hợp vợ chồng bỏ nhau, hoặc có quan hệ sâu sắc rồi nhưng không chịu lấy. Còn chúng thích nhau, quyết lấy nhau làng cũng chịu”, già Puih Duch buồn rầu.

Ông Siu Hnit – Phó chủ tịch UBND xã Ia Der cho biết, chuyện lấy chồng, lấy vợ sớm ở các làng chưa bao giờ diễn ra dễ dàng như thời điểm này. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ thời 4.0, thêm nữa hầu như ai cũng sở hữu 1 chiếc điện thoại di động nên cha mẹ rất khó quản lý bọn trẻ ở làng trong việc tiếp cận các kênh giải trí, phim ảnh không lành mạnh. Chưa hiểu tình yêu là gì, chỉ cần thấy thích nhau là các em đòi cưới, không thì dọa tự tử. Còn bố mẹ biết là con mình vi phạm pháp luật song sợ con mình có chuyện không hay nên đành tặc lưỡi chiều con.

Thực tế cho thấy, hiếm có cặp “vợ chồng trẻ con” nào thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói, thất học, chưa kể gặp phải các vấn đề về sức khỏe và các mối quan hệ xã hội.

Chia sẻ một cách thẳng thắn, già làng Puih Duch cho hay, một trong những nguyên  nhân chưa chấm dứt tình trạng tảo hôn là do chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc. “Cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành. Thử xỷ lý thật nghiêm khắc một đến hai trường hợp thì khi đó mới có tính răn đe và công tác tuyên truyền mới có hiệu quả”, già làng Puih Duch kiên quyết.

Nỗi buồn những đứa trẻ tập làm mẹ trên cao nguyên - 6

“Cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành. Thử xỷ lý thật nghiêm khắc một đến hai trường hợp thì khi đó mới có tính răn đe và công tác tuyên truyền mới có hiệu quả.”

Trước thực trạng nói trên, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025" (giai đoạn II) trên địa bàn tỉnh.

Qua đó sẽ phát động truyền thông, vận động, tư vấn, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của bà con đồng bào DTTS về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đối tượng là thanh niên, người chưa thành niên đủ từ 10 tuổi trở lên cả nam và nữ, phụ huynh học sinh hoặc cha mẹ của nam nữ thanh niên DTTS, cán bộ cơ sở tham gia tuyên truyền ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS, các hội đoàn thể, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Theo ông Kpă Đô - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai: “Thời gian tới, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, dòng họ để ngăn chặn vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, cần đưa các biện pháp ngăn chặn vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào quy ước, hương ước. Ngoài ra, phải xử lý nghiêm theo pháp luật các đối tượng tảo hôn để giáo dục, răn đe, góp phần bảo vệ sức khỏe của bà mẹ và trẻ em gái, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xây dựng các câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.

Các tỉnh Tây Nguyên vẫn đã và đang rất nỗ lực loại bỏ nạn tảo hôn ra khỏi đời sống cộng đồng dân cư song để đạt được mục tiêu đó thì địa phương còn rất nhiều việc cần làm. Bởi đây không phải là câu chuyện của một sớm, một chiều mà luôn đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành cũng như ý thức của mỗi người dân địa phương.



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn