Buổi sáng ngày Phụ nữ Việt Nam năm nay, anh Nguyễn Ngọc Thành, 46 tuổi hỏi vợ: "Hôm nay mẹ ước gì nè? Ba sẽ làm cho mẹ!".
Nằm trên võng, bên cạnh cậu con trai Minh Nhật, 18 tuổi, chị Trần Thị Đức đáp lời chồng: "Mẹ ước có thể đi lại được vững vàng để cùng dạo bộ với hai cha con, để được lần nữa tung tăng trên đôi chân của mình".
Bầu không khí trong căn chung cư cũ ở Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đang rộn ràng bỗng trầm lắng lại. Hai cha con nhìn chị Đức nghèn nghẹn. Cả hai cùng ôm chị, nước mắt lăn dài trên má.
Anh Thành nói: "Mẹ ơi! Ba thương mẹ quá. Mẹ đừng buồn, cho dù giờ chân mẹ yếu, mẹ ko đi lại được thì ba sẽ làm đôi chân cho mẹ đến suốt đời. Mẹ đi không vững ba sẽ cõng. Mẹ vẫn có thể đi dạo, vẫn tung tăng cùng hai cha con bằng đôi chân của ba!".
Tình yêu đích thực hay là nợ đời?
16 năm chị Đức sống cùng căn bệnh suy thận giai đoạn cuối cũng là từng ấy thời gian anh Thành cùng vợ giành lại sự sống. Hơn 4 năm nay, sau ca mổ u tuyến cận giáp, do biến chứng của bệnh, chân chị Đức yếu nên anh Thành phải cõng vợ lên xuống cầu thang tầng hai mỗi tuần 3 lần để đến viện để chạy thận.
Vợ chồng anh Thành vốn là giáo viên dạy toán và vật lý ở thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Trước khi kết hôn, họ là bạn thân của nhau hồi học ở trường sư phạm. Tròn 20 năm trước, cả hai về chung nhà.
Anh Thành thừa nhận, thuở mới cưới, dù yêu vợ thật nhiều nhưng vì tính còn hời hợt, nên anh chưa phụ vợ nhiều trong công việc nhà. Chị Đức cũng cảm thấy việc "chăm sóc tận răng" cho chồng là điều hạnh phúc nhất đời mình.
"Nhưng cuộc sống đã làm thay đổi con người. Anh ấy đã không còn vô tư tận hưởng như trước nữa mà bắt đầu những ngày khổ cực lo cho vợ con khi tôi đổ bệnh", người phụ nữ 43 tuổi tâm sự.
Năm 2003, khi mang thai đứa con đầu lòng chị bắt đầu việc thường xuyên phải nhập viện nhưng không tìm ra bệnh. Sinh con xong, chị được xác định suy thận giai đoạn cuối.
Sau khi sức khỏe tạm ổn, chị Đức quay lại trường dạy học. Anh Thành lúc bấy giờ cũng là đồng nghiệp cùng trường, mỗi giờ vợ lên lớp đều lẳng lặng đứng ngoài cửa sổ nhìn vào. Nhìn học trò, nhìn thấy chồng bên ngoài, cô giáo Đức dường như đỡ hẳn mệt mỏi, đau đớn.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Một ngày năm 2007, khi đang ở trường, chị Đức phải nhập viện cấp cứu, bắt đầu chuỗi ngày xem bệnh viện là ngôi nhà thứ hai. Anh Thành tạm nghỉ dạy, theo vợ trong quá trình điều trị. Một năm sau, chị phải vào Sài Gòn ở nhờ nhà người quen để mổ cầu tay, phục vụ việc chạy thận. Cậu con trai hết gửi tạm cho những đồng nghiệp ở nhà tập thể, lại về quê sống cùng cậu ruột.
Lúc mới trị bệnh, chị Đức phụ chồng dạy kèm học sinh ở nhà những lúc khỏe. Nhiều lần chuyển trọ khiến con phải chuyển trường theo. Vào năm 2016, vợ chồng vay mượn để mua căn nhà nhỏ ở thành phố Quy Nhơn. Con trai Minh Nhật có khả năng ca hát nên cuối năm 2018 anh đưa con vào Sài Gòn dự thi Giọng hát Việt nhí. Dịp này, chị Đức cũng vào theo cổ vũ và để khám bệnh chuyên sâu hơn.
Nhờ thế, chị mới phát hiện có u tuyến cận giáp ở cổ do biến chứng sau nhiều năm chạy thận. Sau cuộc phẫu thuật, chân chị yếu hẳn do cơ thể mất khả năng giữ canxi. Anh Thành quyết định ở lại Sài Gòn để vợ được điều trị tốt hơn.
"Thay vì buồn rầu, khóc than với số phận, chúng tôi chọn cách nắm tay nhau đón nhận bằng sự nỗ lực cố gắng. Hy vọng cuộc đời sẽ lại mỉm cười với chúng tôi", anh Thành nói.
Muốn nói với chồng một lời xin lỗi!
Khởi đầu cuộc sống mới ở Sài Gòn, gia đình ba người thuê một căn trọ chỉ hơn 10m2 gần bệnh viện quận Phú Nhuận. Người cha bắt đầu đăng ký chạy xe ôm công nghệ.
Vì chưa biết đường cũng chưa quen sử dụng bản đồ, anh Thành thường xuyên bị lạc đường. Những hôm vắng khách, anh cố gắng chạy đến 1-2h sáng mới về nhà.
Muốn kiếm tiền phụ chồng, chị Đức tập tành lấy hàng hải sản ở quê vào Sài Gòn bán. Chưa có tủ lạnh trữ hàng, chị ướp nhiều đá vào thùng xốp. Nhưng vì loay hoay tìm đường, khi anh Thành đến nhà khách thì thường hải sản cũng không còn ngon nữa, chưa kể còn bị bom hàng.
Người thầy giáo vốn quen cầm phấn, quần áo tươm tất nay tất tả ngược xuôi chạy ăn từng bữa. Sau 1 năm, người quen thuê giúp vợ chồng chị căn nhà ở chung cư Thanh Đa, tuy rộng hơn nhưng ở tận lầu hai. Ngoài việc phải vất vả bưng hàng hóa từ quê gửi vào lên lầu, anh Thành còn cõng vợ đi chạy thận.
"Có lần trời mưa, anh cõng tôi suýt ngã nhào xuống đất nhưng vẫn cố giữ chặt tôi trên lưng", chị Đức nói.
Đôi chân của anh hết chở vợ đi viện lại đi chợ, đi giao hàng, đón con... không ngừng nghỉ.
Nguồn: Vietbao