Có những câu chuyện cảm động đến từ người dân hai bên. Ví dụ chuyện gặp gỡ giữa các cựu binh. Hay xin đơn cử một câu chuyện cụ thể. Trong công việc, tôi được gặp một gia đình người Mỹ, một người mẹ có con tham chiến ở Việt Nam vào khoảng những năm 1968-1969, bị thương không qua khỏi trong một trận đánh. Người mẹ và cả gia đình rất đau khổ, dằn vặt. Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, gia đình này có dịp hiểu biết hơn về Việt Nam, họ thấy rằng không chỉ bản thân đau khổ bởi những vết thương của chiến tranh mà rất nhiều những bà mẹ ở Việt Nam cũng đau thương và chịu tổn thất vì cuộc chiến.
Những người phụ nữ là người mẹ, người chị trong gia đình kể trên lập ra tổ chức gọi là Cây hòa bình Việt Nam - vận động quyên góp nguồn lực để hỗ trợ tháo gỡ bom mìn, làm sạch vật liệu nổ ở Quảng Trị, qua đó giúp người dân địa phương trồng trọt, phát triển kinh tế. Quỹ hỗ trợ này được thành lập năm 1995, chỉ mấy tháng sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Những người phụ nữ đó đã nhiều lần đến Việt Nam và rất thiện cảm với chúng ta, có lẽ vì họ nhìn thấy nỗi đau không chỉ từ một phía và muốn làm gì đó để hàn gắn vết thương chiến tranh.
Chúng ta biết rằng nhiều chính trị gia nổi bật ở Hoa Kỳ từng là cựu binh và chính họ là những người thúc đẩy mạnh mẽ nhất tiến trình bình thường hóa, hợp tác với Việt Nam. Có một câu nói mà nhiều người Mỹ đã nói từ lâu, đó là "bây giờ khi trở lại Việt Nam thì đây là một quốc gia chứ không còn là một cuộc chiến nữa".
Gần đây, các đại sứ Mỹ ở Việt Nam cũng rất chú trọng đến công tác hàn gắn, khắc phục hậu quả chiến tranh cả trên cương vị chính thức cũng như cá nhân. Có những hoạt động mang tính biểu tượng, đơn cử như Đại sứ nhiệm kỳ trước là Daniel Kritenbrink từng đến thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn; hay Đại sứ hiện nay là ông Marc Knapper đã đến thắp hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Việt Nam nhân ngày 27/7…
Hồi tháng 10, Viện hòa bình của Hoa Kỳ (USIP) tổ chức một cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm hàn gắn, khắc phục hậu quả chiến tranh. Được mời tham dự, tôi thấy hội thảo quy tụ được rất nhiều giới ở Hoa Kỳ, từ các cựu binh cho đến học giả, nhà hoạch định chính sách... Trong trao đổi, ý kiến chung phía Mỹ đều đánh giá rất cao hợp tác của Việt Nam và trông đợi các chương trình hợp tác ngày càng thiết thực hơn không chỉ thế hệ hiện tại mà cả tương lai để vun đắp cho quan hệ hai nước.
Phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm, rất nhiều việc cần sự nỗ lực từ cả hai nước, nhưng tôi tin tưởng rằng với tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, đồng thời không quên quá khứ mà nhìn thẳng vào quá khứ để đề ra các hướng khắc phục hậu quả chiến tranh cũng như thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ có những bước phát triển mới tích cực trong thời gian tới. Điều quan trọng là chúng ta dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng thể chế chính trị của nhau và xây dựng lòng tin, hàn gắn vết thương trong lòng mỗi người ở cả hai phía.
Ngày 12/11 vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Thủ đô Phnompenh, Vương quốc Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Hai nhà lãnh đạo khẳng định coi trọng và dành ưu tiên cao cho quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước; nhất trí tăng cường trao đổi, đối thoại ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp cao, bằng nhiều hình thức linh hoạt.
Trước mắt, như tin đã đưa, hai bên sẽ phối hợp chuẩn bị tốt cho điện đàm sắp tới giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, tiến tới thực hiện chuyến thăm cấp cao giữa hai bên vào thời điểm thích hợp và điều kiện cho phép…
Có thể nói đây là những tín hiệu rất tích cực, cũng là một sự khởi đầu rất ý nghĩa để bước vào kỷ niệm 10 năm Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (2013 - 2023).
Tác giả:Đại sứ Phạm Quang Vinh - nhà ngoại giao cao cấp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Vinh từng có 7 năm làm Trưởng Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Việt Nam.
Nguồn: Vietbao