"Những kẻ nói dối" trên thị trường

Những lời nói dối của một bộ phận người làm nghề môi giới có thể gây thiệt hại lớn cho khách hàng và ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, nhưng chế tài dành cho họ còn lỏng lẻo.

Tôi đi thuê nhà bên Mỹ. Làm việc với tôi là những người hành nghề môi giới bất động sản. Tôi hỏi: "Khu vực này có an toàn không?". Tất cả các bạn môi giới đều nói: "Tôi không thể trả lời câu hỏi này được."

Tôi ngạc nhiên hỏi vì sao, họ trả lời: "Vì nếu tôi nói nó an toàn, anh quyết định thuê, rồi sau này chẳng may anh bị trộm cắp thì anh có thể kiện tôi."

Tôi mới nói: "Nhưng anh chỉ nói mồm với tôi thôi mà, có chứng cứ gì ghi lại đâu. Sau này anh có thể chối được mà."

Họ nói: "Như thế là khai man trước tòa. Nếu bị phát hiện thì đi tù chứ không chỉ phải bồi thường đâu."

Tôi không khẳng định 100% những người hành nghề môi giới ở Mỹ đều trung thực. Nhưng đó là cách một người môi giới ở Mỹ nói chuyện với khách hàng mà tôi trải nghiệm trực tiếp.

Hãy thử quay lại người làm môi giới ở Việt Nam. Trong chúng ta chắc hẳn không ít người từng được trải nghiệm các môi giới nói quá lên về ích lợi của một món thực phẩm chức năng, hay nói tránh về những rủi ro của việc mua trái phiếu, bảo hiểm, bất động sản.

Cách đây vài năm, bà của tôi đã bỏ cả triệu đồng mua một chiếc máy cân bằng ion hoàn toàn vô dụng, chỉ vì tin lời của người bán hàng là chiếc máy này giúp thải độc cơ thể và giúp chữa được căn bệnh mất ngủ. Không ít người lớn tuổi đã bị lừa theo cách đó. Những người bán hàng lợi dụng sự cả tin và thiếu khả năng kiểm chứng thông tin của người già để trục lợi.

Gần đây, báo chí phản ánh tình trạng nhiều giao dịch viên ngân hàng làm môi giới bán trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó có những giao dịch viên cố tình khiến khách hàng hiểu nhầm là họ đang gửi tiền tiết kiệm chứ không phải là đang góp tiền mua trái phiếu. Hành vi này diễn ra trong một thời gian dài mà không hề có trường hợp nào bị xử lý.

Rõ ràng là những lời nói dối của một bộ phận người làm nghề môi giới có thể gây thiệt hại lớn cho khách hàng và ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng bán hàng đa cấp cách đây nhiều năm, hay các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản, trái phiếu hiện nay.

Nhưng chưa bao giờ tôi thấy các cơ quan chức năng tập trung xử lý những kẻ gian dối đó để củng cố kỷ luật thị trường, như đúng những gì chúng ta cần phải làm trong một nền kinh tế thị trường.

Việc này không khó, chỉ cần ghi âm ngẫu nhiên vài cuộc trao đổi của môi giới, xử lý thật nặng khi môi giới nói dối hoặc cố tình khiến khách hàng hiểu nhầm về sản phẩm. Biện pháp xử lý có thể là buộc bồi thường với số tiền lớn hoặc thậm chí có thể xử lý hình sự với các tội lừa dối khách hàng, tội quảng cáo gian dối hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với các trường hợp nghiêm trọng. Chỉ cần xử lý một vài trường hợp có thể sẽ khiến hàng triệu người khác nghiêm túc ngay.

Biện pháp này có thể không khiến tất cả môi giới nói thật, nhưng chắc chắn người ta sẽ uốn lưỡi thêm nhiều lần trước khi định nói gì đó với khách hàng.

Thay vào đó, các cơ quan chức năng của chúng ta thường tập trung vào việc đặt ra các điều kiện, các giấy phép con của việc bán hàng đa cấp hay phát hành trái phiếu, làm đại lý bảo hiểm. Những điều này, có thể sẽ cần thiết trong một chừng mực nhất định, nhưng chắc chắn không thể nền tảng bằng việc yêu cầu các môi giới phải nói thật. Đó là chưa kể đến việc những giấy phép này thường gây tác dụng phụ bóp méo thị trường, dễ tạo cơ hội cho nhũng nhiễu.

Dù có bao nhiêu giấy phép, nhưng nếu các môi giới không phải chịu trách nhiệm cho lời nói của mình thì người được cấp phép cũng sẽ nói dối mà thôi.

Tác giả: Nguyễn Minh Đức lấy bằng Cử nhân Luật tại Đại học Luật Hà Nội và Thạc sĩ Chính sách Kinh tế tại Đại học Columbia - Hoa Kỳ; hiện anh công tác tại Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn