Phương Tây ứng phó ra sao trước sức mạnh hủy diệt của kho vũ khí hạt nhân Nga?

Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ tin rằng Nga có khoảng 500 vũ khí hạt nhân chiến thuật thuộc về không quân, các đầu đạt hạt nhân này có thể nằm trong bom trọng trường hoặc tên lửa hành trình không đối đất. Các máy bay mà Nga dùng để ném các loại bom này là oanh tạc cơ Tu-22 hoặc cường kích hiện đại Su-34.

Nga cũng có thể dùng hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander phóng từ mặt đất để phóng đầu đạn hạt nhân chiến thuật.

Iskander có thể là phương tiện phóng hạt nhân ưa thích của Nga. Kristensen thuộc Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ giải thích: “Đơn giản là vì hệ thống này đáng tin cậy nhất, có cơ hội cao nhất đánh trúng mục tiêu. Tên lửa này không thể bị bắn hạ”.

Sức công phá và mức độ hủy diệt của vũ khí hạt nhân

Sức công phá của vũ khí hạt nhân được đo bằng đương lượng nổ TNT. Bộ Năng lượng Mỹ ước tính rằng các quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki có sức công phá tương ứng là 15 và 21 kiloton, với đương lượng nổ là 15.000 tấn và 21.000 tấn thuốc nổ cực mạnh TNT.

Các vũ khí hạt nhân chiến lược hiện đại có sức mạnh khổng lồ. Các quả bom tiêu chuẩn có sức công phá 500 kiloton, 800 kiloton và thậm chí 1 megaton (tương đương 1 triệu tấn TNT). Nga giữ kỷ lục về vũ khí mạnh nhất từng phát nổ: Năm 1961 Nga (khi ấy là Liên Xô) thử nghiệm một quả bom có sức công phá ít nhất là 50 megaton, mang biệt danh “Bom Sa hoàng”, nghĩa là “vua của các loại bom”.

Các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật thường có sức công phá từ 10 đến 100 kiloton, nên các bom chiến thuật loại trung bình hiện nay vẫn có tiềm năng hủy diệt lớn hơn các bom từng sử dụng ở Hiroshima và Nagasaki.

Ngoài ra, Nga và Mỹ còn có các vũ khí hạt nhân mini với sức công phá dưới 1 kiloton. Nhưng ngay cả các trái bom với sức công phá 0,3 kiloton cũng có sức nổ tương đương vụ nổ cảng Beirut năm 2020.

Nếu số kiloton càng lớn thì sức công phá càng lớn, còn các yếu tố khác có thể ngang hàng nhau. Nhưng trên thực tế các yếu tố khác thường không ngang hàng. Địa hình có thể là một nhân tố gây ảnh hưởng. Nếu có đồi núi trong khu vực của vụ nổ, chúng sẽ chặn một phần hiệu ứng phóng xạ từ vụ nổ. Nếu vụ nổ xảy ra trong lòng đất, bản thân đất sẽ hấp thụ một phần năng lượng từ vụ nổ. Việc vũ khí hạt nhân bị kích nổ trên bề mặt hay ở phía trên bề mặt cũng tạo ra sự khác biệt lớn.

Ứng phó với tình huống bị tấn công hạt nhân

Ngoài sức công phá trực tiếp từ vụ nổ, còn có vấn đề phóng xạ, rác phóng xạ và yếu tố nhiễm độc dài hạn.

Nhưng theo Kristensen, vẫn có cách để tránh tác động từ vụ nổ nếu người dân trong khu vực nổ biết cách ẩn nấp hợp lý (tuy nhiên phương tiện để ẩn nấp có thể không có sẵn trong vùng chiến sự).

Kristensen tư vấn: “Nếu xuống tầng hầm, ở đó trong 3-4 ngày mà không bật hệ thống thông gió thì sau đó phóng xạ nặng sẽ biến mất, và bạn có thể ra ngoài. Nhưng mặc dù mọi người có thể đễ thở hơn vào lúc này, họ vẫn sẽ phải bảo đảm nguồn cung nước và thực phẩm không bị gián đoạn”.

Về lý thuyết, việc phóng vũ khí hạt nhân có thể được thực hiện sau vài phút từ khi có lệnh ban ra. Tuy nhiên với vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, mọi thứ có thể lâu hơn.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga được cất trữ tại một số cơ sở trên lãnh thổ Nga. Muốn sử dụng số vũ khí này thì trước tiên phải đưa chúng ra khỏi kho rồi vận chuyển đến vị trí phóng. Theo các chuyên gia, quá trình này mất nhiều ngày. Và các hoạt động đó có thể bị các cơ quan tình báo của Mỹ và châu Âu nhận ra. Các cơ quan này sẽ theo dõi các động thái như huy động các đơn vị quân sự mà vốn ít hoạt động, sự gia tăng hiện diện của các lực lượng chiến lược, và các xe tải hoặc tàu hỏa có dấu hiệu di chuyển về phía Ukraine từ các vị trí mà giới chức phương Tây biết chắc là có vũ khí hạt nhân cất trữ.

Kristensen cho biết, khi các cơ quan tình báo Mỹ còn im hơi lặng tiếng thì khả năng Nga tấn công hạt nhân vào Ukraine là rất thấp./.



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn