Giới buôn cổ vật: Trắng đen nhộm nhoạm, lừa lọc vô biên

“Mê cung” cổ vật

Mê cổ vật, ham nghiên cứu văn hóa lịch sử và nổi tiếng trong làng chơi cổ vật nhưng ông Đinh Công T., 54 tuổi, ngụ Hóc Môn, TP.HCM cũng từng nhiều phen “dính chưởng” khi mua phải cổ vật giả bảo vật quốc gia. Ông T. là người yêu gốm sứ, có hơn 20 năm miệt mài đi sưu tầm gốm sứ cổ. Mấy tháng trước, ông được một người giới thiệu tại Nha Trang có chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga, là bảo vật quốc gia. Ông T. lên đường về Nha Trang tìm ngay người bán. Tại đây, ông được gặp chủ nhân là đại gia có tiếng trong lĩnh vực thủy sản. Nhìn ngắm chiếc bình, ông T mê đắm ngay và quyết trả giá để có được. Chủ nhân hô 500 triệu đồng , ông T. trả xuống còn 368 triệu và được đồng ý. Vì không có đủ tiền nên ông T. đặt cọc 120 triệu đồng, hẹn 10 ngày sau sẽ quay trở lại trả hết và thỉnh hàng.

Nhìn vào chiếc bình gốm, ông T. bị mê hoặc ngay. Ông cho biết, gốm hoa lam là một đại diện tiêu biểu cho dòng gốm men trắng vẽ lam. Dòng gốm hoa lam Việt Nam xuất hiện từ thời Trần thế kỷ 14 và phát triển liên tục cho tới ngày nay. Đặc biệt vào thế kỷ 15, dòng gốm hoa lam đã phát triển tới đỉnh cao, chẳng những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.

Trong thời gian đi gom tiền, ông T. được nghe bạn bè kể nhiều về các thủ đoạn lừa đảo cổ vật, khuyên ông nên cẩn thận. Khi biết ông chuẩn bị mua chiếc bình gốm là bảo vật quốc gia, bạn của ông liền thốt lên: “Bảo vật quốc gia mà cũng đi buôn thì lạ lắm. Chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga là chiếc bình gốm thuộc sưu tập độc bản trong tàu cổ Cù Lao Chàm khai quật vào năm 1999 – 2000 đang được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ và trưng bày. Có thể anh bị lừa rồi”.

Giới buôn cổ vật: Trắng đen nhộm nhoạm, lừa lọc vô biên - 3

Sự thật – giả cổ vật vẫn luôn là một mê cung

Để chắc chắn, đúng ngày hẹn, ông T. dẫn theo một chuyên gia thẩm định đi cùng. Tuy nhiên, khi xem bình gốm, chuyên gia không phân biệt được. Họ tạm lùi việc mua bán, tìm đến Bảo tàng lịch sử Quốc gia xem chiếc bình gốm đang được trưng bày để xác thực. Sau khi xem, họ như bừng tỉnh. Quả là bảo vật độc bản, không có cái thứ hai. Chiếc bình ở Nha Trang đúng là có nét cổ, nhưng nó không phải là loại gốm hoa lam vẽ thiên nga đời Trần, thế kỷ 14, đó có thể là gốm hoa lam Chu Đậu.

Nhận thấy mình bị lừa nên ông T. đòi lại tiền. Chủ nhân không trả với lý do “không mua mất cọc” và ông ta không hề lừa dối, đây là gốm cổ thật. Cuối cùng, ông T. ngậm đắng nuốt cay, chấp nhận mất tiền và tự trách mình vì đam mê mà trở nên u mê. Ông T. cho biết: Có hàng trăm loại gốm cổ còn lưu lại đến ngày nay. Giá trị mỗi loại là khác nhau, có thứ phải tiền tỷ mới sở hữu được, nhưng có loại cho không, hoặc chỉ vài trăm ngàn đồng... Dân buôn nói đồ cổ rồi làm giá, họ nói bao nhiêu thì tùy mặt mà “chặt chém”, bởi cổ vật đâu thể định giá chính xác. Đây là hình thức lừa đảo rất tinh vi.

Dân chơi cổ vật lâu năm còn bị lừa, huống chi người mới vào nghề. Chính vì tính đặc thù của cổ vật mà nhiều kẻ đã lợi dụng vào đó, dựng nên những kịch bản lừa đảo hoàn hảo.

Trung tuần tháng 9/2022, Công an tỉnh Gia Lai nhận được đơn của ông N.Đ.D, trú tại TP. Pleiku tố giác một phụ nữ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 5 tỉ đồng. Đây là tiền ông D. dùng để mua các món cổ vật mà bà N.H rao bán. Cụ thể, theo trình báo, ông D. và bà H. quen biết nhau từ năm 2020, và bà H. liên tục thông tin có các món đồ cổ có giá trị cần bán, như: Chén đồng màu đen có đặc tính “đốt không nóng”; một cái ché “nếu đặt kính tráng thủy vào ché 2 phút là kính rạn nứt tự nhiên”… Dù chưa nhìn thấy các món hàng trên nhưng ông D. đã chuyển cho bà H. hơn 5 tỉ đồng.

Nhận tiền nhưng bà H. vẫn không đưa các món “cổ vật” đã rao bán cho ông D. mà viện cớ đòi thêm tiền, rồi trốn tránh việc giao hàng. Khi ông D. yêu cầu trả lại tiền thì người phụ nữ này bảo đã tiêu xài hết. Ông D. làm đơn tố cáo. Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đang yêu cầu tạm dừng giao dịch tài sản của bà N.H để phục vụ công tác điều tra vụ việc.

Liên quan đến lừa đảo bán cổ vật, vào cuối tháng 9 vừa qua, Công an tỉnh Bình Thuận bắt tạm giam Thông Thị Định, sinh năm 1956, trú xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo hồ sơ, trong nhiều năm, Thông Thị Định đã làm giả các giấy tờ thể hiện việc đầu tư “hàng gia truyền” là “đồng đen”, “cổ vật” của dân tộc Chăm để lừa bán cho nhiều người, chiếm đoạt hơn 3,2 tỷ đồng.

(Nguồn: antgct.cand.com.vn)



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn