Bất công với Pele
Những con số không biết nói dối, nhưng vấn đề là chúng lại không thể bao quát toàn bộ lịch sử của bóng đá thế giới.
Phải đến năm 1954, World Cup mới lần đầu tiên được phát trên sóng truyền hình. Dù vậy, Opta, hãng thống kê dữ liệu hàng đầu mới chỉ thực hiện ghi lại theo đúng tiêu chuẩn các dữ liệu từ kỳ World Cup năm 1966. Để làm điều này, nhân viên nhập liệu của Opta phải xem lại băng hình của từng trận đấu, ghi lại từng hành động của cầu thủ như cách họ thống kê dữ liệu ở bóng đá hiện đại.
Đây cũng là điều bất công với Pele bởi "vua bóng đá" đã thi đấu tại World Cup từ năm 1958, khi chưa tròn 18 tuổi. Bàn thắng trong trận chung kết năm đó giữa Brazil với Thụy Điển được ông ghi khi mới 17 tuổi và 249 ngày. Năm 1962, Pele cũng chơi 2 trận trước khi bị chấn thương và phải ngồi ngoài suốt phần còn lại của giải.
Đây cũng là luận điểm được người hâm mộ danh thủ người Brazil đưa ra nhằm đòi lại công bằng cho "vua bóng đá". Họ cho rằng Opta và các nguồn thống kê khác chỉ có dữ liệu đáng tin cậy từ năm 1966 trở đi, do đó Pele chỉ được tính 6 kiến tạo từ năm 1970. Bàn thắng thì luôn được tính cho người ghi bàn, còn kiến tạo, nhất là ở các giải đấu xa xưa, gần như không được ghi nhận.
Các hãng thống kê bóng đá chỉ ghi nhận dữ liệu đầy đủ từ World Cup 1966 tại Anh. Ảnh: The Athletic. |
Trong khi đó, dựa theo băng hình được lưu trữ, Pele đã kiến tạo cho Zagallo ghi bàn trong trận gặp Mexico năm 1962 và bàn thứ hai của Vava trước Liên Xô năm 1958. Nếu ghi nhận 2 kiến tạo này, chính Pele mới là người nắm giữ danh hiệu đóng góp bàn thắng nhiều nhất ở World Cup với 20 lần.
Trong bóng đá ngày nay, thống kê là một thước đo rất quan trọng khi so sánh giữa những cầu thủ. Tuy nhiên, việc chơi bóng ở thời kỳ công nghệ chưa phát triển lại phần nào khiến Pele bị lép vế so với các hậu bối.
Phần lớn những con số về Pele chỉ được truyền lại thông qua nhiều hình thức khác nhau, từ người hâm mộ tự thống kê, bình luận viên bóng đá và kể cả chính các danh thủ thi đấu cùng thời kể lại. Do đó, đôi khi những dữ liệu này có sai lệch nhất định do cách tính khác nhau của mỗi người.
Zico - người từng khoác áo tuyển Brazil những năm 1970 và 1980 cho rằng Messi vẫn chưa đạt đến tầm của Maradona thời hoàng kim. Trong khi đó, ông lại xếp Pele trên cả hai vì cho rằng "vua bóng đá" có mọi thứ.
"Theo tôi Messi không thể so sánh với Pele. Tôi vẫn cho rằng Maradona hay hơn Messi. Nhưng Pele thì không thể so sánh. Pele có tất cả phẩm chất và kỹ năng mà một cầu thủ bóng đá phải có. Khi Chúa tạo ra Pele, Người đã đặt mọi phẩm chất mà một cầu thủ bóng đá cần có gồm tốc độ, sức mạnh, kỹ thuật, khả năng sút bóng, đánh đầu và rê bóng. Mọi thứ bạn có thể tưởng tượng được ở một cầu thủ, Pele đều có đủ", Zico nói với Omnisport.
Việc chơi bóng ở thời kỳ công nghệ chưa phát triển lại phần nào khiến Pele bị lép vế so với các hậu bối về thống kê. Ảnh: AP. |
Ngoài ra, có một thống kê chắc chắn Pele hơn hẳn Messi đó là ông đã vô địch World Cup đến 3 lần (1958, 1962 và 1970), trong đó có 2 chức vô địch liên tiếp, thành tích mà sau Brazil vẫn chưa đội nào có thể tái hiện.
Tuy nhiên, ở cấp độ câu lạc bộ, sự nghiệp của Pele lại có phần thua kém Messi bởi ông chủ yếu chỉ chơi bóng ở Brazil cho Santos. Ở đoạn cuối sự nghiệp, "vua bóng đá" chuyển sang Mỹ chơi bóng cho New York Cosmos. Đây là sự thua thiệt của Pele so với Messi đã thành danh ở Barca với mọi danh hiệu cao quý nhất mà một cầu thủ có thể đạt được.
Nguồn: Vietbao