Thời gian qua, tại các vùng miền núi ở tỉnh Thái Nguyên xuất hiện những tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu với các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Họ chính là những nhân tố tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế tại địa phương.
Tốt nghiệp đại học, nhưng anh Lưu Viết Long, dân tộc Tày ở xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa không theo ngành nghề mình đã học mà chọn con đường khởi nghiệp từ mảnh đất quê hương. Sau nhiều năm trồng, kinh doanh các sản phẩm về chè, chàng thanh niên Lưu Viết Long với những kinh nghiệm tích lũy được đã quyết định thành lập Hợp tác xã Đồng Tiến, nhằm liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ ở địa phương tiến tới xây dựng thương hiệu chè an toàn. Đến nay, quy mô sản xuất của HTX được mở rộng, doanh thu trung bình năm đạt trên 5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động.
Anh Lưu Viết Long, xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, cho biết: "HTX thành lập từ năm 2018, mảng chè đưa vào từ năm 2019. Định hướng đưa sản phẩm này vào vì đó là sản phẩm chủ đạo của địa phương. Nó chiếm tỷ lệ người sản xuất ở đây rất nhiều, tôi thấy tính ổn định và bền vững".
Ở một xã vùng cao khác, ông Dương Tiến Đường, dân tộc Dao ở xóm Tân Lập, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ lại có cách làm giàu cho gia đình mình từ việc trồng rừng và chăn nuôi. Với hơn 8 ha rừng, từ đầu năm đến nay, ông Đường đạt doanh thu 900 triệu từ trồng cây keo giống. Cùng với rừng, ông còn xây dựng chuồng trại nuôi trâu sinh sản và trâu thịt. Đây là thành quả lao động không biết mệt mỏi trong nhiều năm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi tiên phong phát triển kinh tế tại địa phương.
Nguồn: Vietbao