Tuy nhiên, khi đang theo học năm cuối, anh chuyển công tác về Đồn Biên phòng Mường Lèo - cách thành phố gần 200km. Kể từ đó, hành trình đi tìm con chữ của anh gian nan, vất vả nhưng ý chí bền bỉ của khiến không ít người khâm phục.
Thiếu tá Thành nhớ lại: "Sáng thứ 7, cứ 4h sáng mình đi từ đồn ra TP Sơn La để học. Hôm nào trời ấm còn đỡ, đến mùa rét thì vất vả không biết bao nhiêu mà kể. Những ngày đó mình phải đi sớm hơn và chậm hơn để đỡ lạnh, rồi ven đường thấy những hàng người ta đốt lửa nấu xôi sáng thì dừng lại xin sưởi lửa nhờ cho đỡ lạnh mới đi tiếp".
Ở tuổi 46, Thiếu tá Hờ A Thành nhận tấm bằng cử nhân loại Giỏi.
Đến thầy giáo biên phòng nơi cuối trời biên cương
Những lớp học biên phòng được Đồn biên phòng Mường Lèo bắt đầu triển khai từ năm 2021 tại 2 bản Huổi Lạ và Huổi Luông xã Mường Lèo, đến nay đã xóa mù chữ được cho khoảng 100 người dân là đồng bào dân tộc Mông ở vùng biên giới.
Học viên nơi đây đều đã lớn tuổi, người ít tuổi nhất cũng đã 17-18, người nhiều nhất đã hơn 50 tuổi. Những đôi bàn tay thô ráp, chỉ biết chọc lỗ, tra hạt trên nương, nay cầm bút lóng ngóng, ngượng nghịu. Nhưng một phần bởi ham học cái chữ, phần lại khâm phục ý chí của chính thầy giáo Thành nên bà con đi học rất đầy đủ.
Chị Sồng Thị Da - học viên lớp học chia sẻ: "Như những người lính Biên phòng đã nói, mọi người hãy học để biết đọc, biết viết, biết tính toán khi đi chợ. Học cho con cháu noi theo để sau này không bỏ học giữa chừng, có thể học lên cao hơn, đi xa hơn nữa".
Thiếu tá Mai Thế Cảnh - Chính trị viên phó, Đồn biên phòng Mường Lèo cho biết: "Thiếu tá Thành là người rất năng nổ, nhiệt tình trong công việc, lại còn là người địa phương thông thạo địa bàn nên Ban chỉ huy đồn quyết định lựa chọn anh đi dạy các lớp xóa mù chữ cho bà con".
Theo Thiếu tá Cảnh, ngoài những buổi lên lớp, anh Thành còn lên nương với bà con, dạy dân cách trồng ngô, lúa sao cho năng suất. Năm nay, anh còn mang giống sắn cao sản về hướng dẫn trồng trên những mảnh nương khô cằn.
Trong cái tĩnh lặng của miền biên giới, hằng ngày vẫn đều đều vang lên tiếng đánh vần của lớp học xóa mù chữ, tạo nên một khúc nhạc trong đêm, hòa vào đại ngàn Tây Bắc.
Nguồn: Vietbao