Xô bồ chốn tâm linh: "Ngôi đền thiêng nhất là ngôi đền trong lòng người"

Hai mùa lễ hội không thể tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự đoán năm nay các điểm đến tâm linh có thể quá tải do lượng người đi du xuân tăng lên. Trước tình hình trên, từ cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện 1174 về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết và lễ hội Xuân 2023. Ngay từ trước Tết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành công điện số 05 chỉ đạo tăng công tác phòng chống dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm nay. Ban tổ chức các lễ hội cũng đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo phòng dịch, an ninh trật tự. Thế nhưng, đâu đó vẫn có cách hành xử chưa đẹp, chưa văn minh ở chính các cơ sở thờ tự.

Việc rải tiền lẻ, đặt tiền lễ lên bàn thờ, nhét tiền vào các pho tượng… lâu nay đã bị chính các nhà văn hóa lên án gay gắt. Phát tâm công đức vốn là nét văn hóa mang ý nghĩa đẹp, gọi là chút thành tâm để góp phần xây dựng, tu bổ đền, chùa. Nhưng ý nghĩa này đã bị biến tướng khi nhiều người coi việc đi lễ, rải tiền lẻ như một khoán ước với thần linh cho những điều mình mong muốn, làm mất đi những nét đẹp vốn có của phát tâm công đức.

Du Xuân với nhiều người để cầu may trong dịp đầu năm, với người khác lại là dịp để tìm đến điều bình an, hướng đến sự thanh tịnh, vì thế mỗi người có một nơi chốn để đến, một cách riêng để thể hiện lòng thành kính. Dù đến chốn đông người hay vắng vẻ thành tịnh, người dân cũng cần ghi nhớ quy tắc hành xử văn minh ở các lễ hội, để giữ cho mình và mọi người.

Người xưa có câu "Phật tại tâm". Nếu tâm mình là tâm phật thì không nhất thiết phải đến chùa cầu xin cũng có được những điều tốt đẹp. Đầu Xuân năm mới, nhu cầu đi vãn cảnh du Xuân cũng là điều chính đáng nhưng đi với tâm thế như thế nào là điều đáng nói. Không Phật, thánh nào dạy con người phải đi nhiều chùa, đền, phủ, miếu… để có nhiều lộc, việc đi lễ đầu năm là để lòng người thanh thản, hướng thiện. Đó là giá trị tích cực cần hướng đến.



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn