Hai thách thức nặng nề chờ đợi tân Thủ tướng Anh Liz Truss

Chia sẻ với báo giới mới đây, bà Truss cho biết bà hiểu "cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt thách thức như thế nào đối với tất cả mọi người" và khẳng định sẽ hành động quyết liệt để đảm bảo các gia đình và doanh nghiệp có thể vượt qua mùa Đông này và thời gian tiếp theo.

Nhưng dự kiến trong những ngày tới, bà Truss sẽ thông báo về việc can thiệp quy mô lớn cấp nhà nước nhằm hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp đương đầu với tình trạng giá khí đốt leo thang. Sau đó vài tuần, bà dự kiến công bố kế hoạch giảm thuế chính thức cũng như kế hoạch giải quyết các tồn đọng trong khám chữa bệnh.

"Tôi sẽ triển khai kế hoạch táo bạo nhằm cắt giảm thuế và phát triển nền kinh tế, cũng như đối phó khủng hoảng năng lượng, đảm bảo rằng mọi người không phải chi nhiều tiền hơn nữa", bà Truss nói.

Bà cũng nhấn mạnh có thể xem xét lại cơ cấu nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương Anh và trao cho chính phủ nhiều quyền lực hơn để cắt giảm các quy định tài chính.

Các chính trị gia thân cận với bà Truss cũng đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch về năng lượng bằng cách khai thác hoặc tiến hành khoan dầu nhiều hơn ở Biển Bắc. Vì vậy, theo các chuyên gia, kế hoạch của bà Truss nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí năng lượng có thể gồm việc hoãn tăng mức trần hóa đơn năng lượng cho đến năm 2024 cũng như kế hoạch mở rộng dự án khai thác khí đốt ở Biển Bắc.

Theo các chuyên gia, bà Truss sẽ sớm chỉ định một Hội đồng Cố vấn kinh tế để có những ý tưởng tốt nhất về cách thúc đẩy nền kinh tế. Bởi nếu không hành động sớm, mọi thứ dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những tháng mùa đông, khi thời tiết lạnh giá sẽ khiến hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp tăng cao.

Không giống Đức, quốc gia có các kho dự trữ khí đốt tự nhiên lớn trong nước, Anh đã đóng cửa cơ sở lưu trữ khí đốt cuối cùng vào năm 2017, khiến nước này không có cơ hội chống lại các cú sốc về giá cả năng lượng. London hiện đang gấp rút mở cửa trở lại cơ sở này.

Chính phủ Anh đã cam kết trợ giá năng lượng cho các hộ gia đình nhưng không có chương trình nào dành cho các doanh nghiệp nhỏ như quán rượu và nhà hàng. Theo thống kê của chính phủ, từ tháng 4-6, các vụ phá sản ở Anh đã tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái và các nhà kinh tế cảnh báo về một làn sóng phá sản trong mùa đông tới.

Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chính phủ của bà Truss sẽ phải công bố một gói cứu trợ lớn hơn cho các cá nhân và doanh nghiệp để giúp trang trải các hóa đơn năng lượng nếu muốn tránh suy thoái sâu và làn sóng phá sản trong mùa đông này.

Ngoài ra, giải pháp khắc phục các vấn đề kinh tế của Anh mà tân thủ tướng đưa ra là sự kết hợp giữa cắt giảm thuế do thâm hụt tài chính và cải cách quy định. Bà đề xuất các khu vực thuế thấp với luật quy hoạch nới lỏng, đồng thời giữ thuế doanh nghiệp ở mức 19% để thu hút đầu tư nước ngoài.

Bà cũng dự định đảo ngược việc tăng thuế thu nhập và cân nhắc việc giảm thuế cho những người chăm sóc, đồng thời nâng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP vào năm 2030. 

Trong chính sách y tế và chăm sóc xã hội, bà Truss cam kết tiếp tục với các kế hoạch hiện tại để hỗ trợ NHS, đồng thời đảo ngược việc tăng phí bảo hiểm quốc gia nhằm cung cấp kinh phí, trước hết để giải quyết các trường hợp khám chữa bệnh còn tồn đọng do dịch Covid-19 và để chi trả cho các hoạt động chăm sóc xã hội tốt hơn.

Trong vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng xanh, bà nhấn mạnh cam kết đối với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và khẳng định sẽ tập trung vào năng lượng tái tạo. 

Về nhập cư và an ninh, một vấn đề đặt ra cho những người muốn vào Anh là khả năng bà Truss sẽ thúc đẩy dự luật về quyền của Anh, theo đó những người xin tị nạn và những người di cư khác sẽ ít được bảo vệ hơn.

Bài toán đối ngoại: Sẽ cứng rắn với Trung Quốc, Nga và cả EU?

Không chỉ đối mặt những khó khăn lớn ở trong nước, trên mặt trận đối ngoại, tân Thủ tướng Truss cũng sẽ gặp nhiều thách thức hơn, nhất là trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn leo thang.

Hai thách thức nặng nề chờ đợi tân Thủ tướng Anh Liz Truss - 4

Bà Truss trong một cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Tân Thủ tướng Anh có quan điểm rất cứng rắn với Moscow (Ảnh: DM).

Thời nắm quyền Ngoại trưởng Anh, bà Truss là một đồng minh đáng tin cậy của NATO và là người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine cũng như có quan điểm cứng rắn với Nga và Tổng thống Vladimir Putin.

Trong tuyên bố sau khi chiến thắng, tân Thủ tướng Anh cho biết, bà sẽ cập nhật lại các chính sách quốc phòng, an ninh, thương mại và đối ngoại của nước này. Điều này được cho là sẽ giúp Anh tăng cường tham gia và hợp tác với các đồng minh ở châu Á và có lập trường mạnh mẽ hơn chống lại Nga và cả Trung Quốc. 

Theo các chuyên gia, nữ lãnh đạo mới của Anh sẽ có quan điểm cứng rắn hơn nữa với Nga trong cuộc xung đột này và cả những chính sách với Trung Quốc, đồng thời nỗ lực để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào hai nước này.

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, bà Truss đã đưa ra tuyên bố rằng sẽ công khai công nhận vấn đề diệt chủng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Điều này sẽ đồng quan điểm với Mỹ nhưng đi xa hơn so với báo cáo của Liên Hợp Quốc được công bố gần đây về vấn đề nhân quyền.

Bà Truss từng gọi Trung Quốc là một "mối đe dọa", đặt Bắc Kinh lên ngang hàng với Nga, cùng dùng một ngôn ngữ để mô tả Nga. Hiện Trung Quốc được coi là "đối thủ cạnh tranh có hệ thống" với Anh.

Vì vậy, bà Truss được cho là sẽ có thể xem xét ưu tiên an ninh quốc gia hơn hợp tác kinh tế với Trung Quốc, nhằm lên tiếng về các vấn đề Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

"Bà ấy đã củng cố lập trường của London với Bắc Kinh kể từ khi thành ngoại trưởng và sẽ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn hơn khi đã trở thành thủ tướng", một chuyên gia nhận định.

Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng đó có thể sẽ vẫn chỉ là những lời tuyên bố.

Chuyên gia Frances Burwell thuộc tổ chức nghiên cứu Atlantic có trụ sở tại Mỹ nhận định: "Việc nâng lên thành mối đe dọa không đòi hỏi phải thay đổi những gì bạn có thể xuất khẩu sang quốc gia đó hoặc vai trò của quốc gia đó trong nền kinh tế của bạn".

Ngoài ra, theo ông Bronwen Maddox, Giám đốc Chatham House, trong thời gian tới Thủ tướng mới của Anh cũng sẽ phải giải quyết các bất đồng ngày càng lớn với EU xung quanh vấn đề Bắc Ireland theo thỏa thuận Brexit.

Quan hệ với EU có thể vẫn trong tình trạng đóng băng nếu bà Truss đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với việc thực hiện Nghị định thư Bắc Ireland và có thể kích hoạt điều 16, điều khoản cho phép hủy bỏ các phần của thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đối mặt hàng loạt vấn đề khủng hoảng trong nước và cả ngoài nước, bà Truss có lẽ không muốn làm leo thang căng thẳng thương mại với EU.

Thanh Thành

Theo WSJ, AP

08/09/2022



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn