Bác sĩ Trần Thị Sáu (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) cho biết, thời gian qua bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trẻ vị thành niên, thanh niên đến khám các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó nhiều em có biểu hiện nghiện các loại thiết bị số.
Có trường hợp một bé gái 6 tuổi có dấu hiệu bị cuốn vào thói quen sử dụng mạng xã hội TikTok, ảnh hưởng tới sinh hoạt và học tập. Theo chia sẻ từ gia đình, thời gian đầu, bé chỉ xem và nhờ bố mẹ quay video bản thân làm theo các trào lưu trên nền tảng này. Khi đó, phụ huynh thấy con hào hứng cũng đồng ý và xem đây là hoạt động giải trí sau giờ học.
Tuy nhiên, sau một thời gian, bé gái bắt đầu có biểu hiện xao nhãng học tập. Gần như toàn bộ thời gian rảnh rỗi, bé đều dùng để xem TikTok, thậm chí tự quay lại các video mà không còn cần sự trợ giúp từ gia đình. Khi bị nhắc nhở, bé còn tỏ ra khó chịu, thậm chí tự khóa mình trong phòng riêng. Lúc này, gia đình mới quyết định đưa bé đi khám.
Bác sỹ Tô Thanh Phương, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 kể về trường hợp bệnh nhân mà ông còn nhớ mãi. Đó là em Hoàng Thị V. (học sinh THCS, trú tại Phú Xuyên, Hà Nội) nhập viện điều trị trong tình trạng bị trầm cảm nặng.
Người thân cháu V. kể lại, gần đây người nhà phát hiện cháu có những biểu hiện bất thường như hay cười tủm một mình, lẩm bẩm, nói chuyện một mình, đi lại thì thất thểu, gọi năm lần bảy lượt mới thưa. Đồng thời cũng hay kêu chán đời, không chịu ăn, thậm chí trốn ăn, không ngủ. Sau một thời gian, V. trở nên gầy mòn, xanh xao khiến bố mẹ vô cùng lo lắng.
Được an ủi dỗ dành mãi, V. mới kể với mẹ rằng nhiều tháng nay em thường xuyên truy cập mạng xã hội Facebook. Cách đó một tuần, V. và bạn thân có mâu thuẫn và cãi nhau trên mạng xã hội. V. còn bị người bạn kia nói xấu, bêu riếu trên Facebook nên em cảm thấy vô cùng chán nản, mệt mỏi. Em trở nên ngại tiếp xúc với bạn bè, người xung quanh, lầm lì trong nhà.
Chưa dừng lại ở đó, cô bé hơn chục tuổi đầu còn nghe thấy trong đầu có tiếng nói, đặc biệt là tiếng chửi mình. “Cháu kể rằng liên tục nghe thấy người chửi mình. Cháu trở nên mất kiểm soát hành vi và vô cùng sợ hãi. Tình trạng ngày càng nặng nên chúng tôi quyết định đưa em vào viện” - mẹ của V. kể.
Cũng theo tiến sỹ, bác sỹ Tô Thanh Phương, qua một thời gian điều trị nhiều bệnh nhân nghiện thiết bị công nghệ và nội dung số (bao gồm game, mạng xã hội...), có thể thấy không chừa lứa tuổi nào. Trong đó trẻ em là lứa tuổi dễ bị nghiện nhất, và dễ gây hậu quả nặng nề nhất.
“Có thời điểm chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân mới 9 tuổi mà đã có những dấu hiệu rất đáng lo ngại. Cháu nhút nhát, gần như không nói năng gì, gặp ai cũng sợ hãi. Người thân kể, cháu lúc nào cũng chỉ muốn ở một mình cùng chiếc điện thoại, không muốn tiếp xúc với bất cứ ai, kể cả bố mẹ.
Gia đình cũng thú nhận là do từ bé đã cho cháu sử dụng smartphone, ban đầu là để cháu dễ ăn uống, đỡ quấy khóc. Lâu dần cháu trở nên bị “nghiện” điện thoại. Bố mẹ ông bà mua đủ thứ đồ chơi nhưng cháu cũng không thèm đoái hoài. Luôn chỉ yêu cầu được sử dụng điện thoại”, bác sỹ Phương kể.
Khi tiếp nhận cháu bé, các bác sĩ phát hiện cháu bị trầm cảm nặng. Cháu đã phải sử dụng những loại thuốc an thần mạnh nhất, để khiến cháu phần nào “quên” đi được sự giày vò vì không được dùng điện thoại. Phải sau gần hai năm điều trị, cháu bé mới tương đối trở lại bình thường.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, tình trạng nghiện mạng xã hội khiến chúng ta dễ bị cuốn vào thế giới ảo, từ đó hạn chế các kỹ năng sống khác.
Bác sỹ Thu phân tích: “Tình trạng này diễn ra ở người trưởng thành khiến chúng ta giảm năng suất làm việc, thậm chí ảnh hưởng tới cả các hoạt động cơ bản như ăn, ngủ. Tác động này còn lớn hơn ở trẻ em, khi các bé thường bỏ bê việc học tập, thiếu tập trung trong cuộc sống”.
Đáng nói hơn, tình trạng trẻ em bị phụ thuộc vào mạng xã hội quá sớm có thể ảnh hưởng lớn tới nhận thức, sự phát triển về tâm sinh lý của trẻ trong quá trình phát triển, từ đó dẫn đến những hậu quả ở tương lai.
Tiến sĩ Thu cho rằng các nội dung trên mạng xã hội có khả năng tác động mạnh vào tâm lý người xem, nhất là nhóm trẻ tuổi, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức. Từ đây, những video trên mạng xã hội có thể tác động vào thế giới quan cũng như nhận thức của trẻ. Khi các hình ảnh và lời nói được lặp lại nhiều lần trong đầu, người xem sẽ có xu hướng chấp nhận nội dung đó, dù chúng không đúng với chuẩn mực đạo đức. Điều này cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ...
(Nguồn: An ninh thế giới)
Nguồn: Vietbao