“Tôi và ông Túc cùng tuổi, lớn lên trong xóm với nhau”, người đàn bà nay đã tóc bạc, da mồi kể về quãng đời tươi trẻ, yêu đương mơ mộng của mình. Bà Thủy bảo bà và ông Túc yêu sớm lắm. “Chúng tôi yêu nhau từ thời còn nhỏ, đi đâu cũng quấn quýt lấy nhau”.
Những năm tháng đi học, Thủy và Túc đi đâu cũng có nhau, rõ ràng là một cặp đôi dù không ai lên tiếng thừa nhận. “Tôi với ông Túc là bạn múa, bất kể múa ở trường hay ở các liên hoan, sự kiện do đoàn xã tổ chức thì đều là một đôi”, bà lão 77 tuổi mắt vẫn ánh lên thứ gì đó như là hạnh phúc khi nói về tình yêu tuổi mới lớn của mình, chuyện đã diễn ra cách nay hơn nửa thế kỷ.
Dù yêu nhau thời gian dài nhưng ngoài hai gia đình thì không ai biết, hai người giấu kín tình yêu ấy. “Tôi có nói với mẹ tôi rằng hai đứa có tình ý với nhau, còn dân làng không ai hay”, bà Thủy kể. “Anh ấy cũng về nói với mẹ anh ấy, rằng sau này con chỉ lấy Thủy”.
Bà Thủy bảo trước khi đi bộ đội, ông Túc nói khi trả nợ xong việc nước, sẽ cố “phấn đấu cho bằng Thủy”, khi ấy mới tính chuyện trăm năm.
Theo lời bà Thủy, ông Túc có mấy thứ để tự ti. Thứ nhất là nhà ông nghèo, nên mỗi khi hẹn hò hay có việc đến nhà, ông không dám vào, chỉ đứng ngoài thổi sáo làm hiệu. “Thời đó, gia đình tôi đã có nhà ngói. Còn nhà anh ấy vẫn là nhà tranh, vách đất. Hồi đó mỗi lần sang gặp tôi, anh ấy thường giả vờ sang nhà bên cạnh, hoặc ra chỗ chuồng trâu, đứng thổi sáo. Tôi nghe thấy là biết”.
Thứ hai là bà Thủy phấn đấu sớm, được vào Đảng từ năm 20 tuổi. “Hồi đó tôi làm công tác đội, rồi phụ trách thanh niên, phụ nữ, tham gia nhiều việc”. Năm 1965, bà Thủy trở thành Đảng viên.
Vì thế, ông Túc muốn học cao hơn, phấn đấu vào Đảng để được “môn đăng hộ đối” với người yêu.
“Hai đứa hẹn thề khi về sẽ làm đám cưới, nếu không lấy được nhau thì chúng tôi cũng không lấy ai. Anh Túc còn nói với gia đình mình, Thủy sẽ là con dâu của gia đình sau ngày anh ấy trở về từ chiến trường. Nhưng cũng chỉ biết với nhau. Thời đó yêu nhau kín đáo, không như bây chừ mô”.
Sau khi học xong phổ thông, ông Túc đi học đại học kiến trúc và khi đang còn học dở dang, ông nhập ngũ.
Kỷ vật của người lính hy sinh trong vụ tập kích Sơn Tây
Bà Thủy nói thời gian đầu ông Túc đi bộ đội, cứ cách 1-2 tháng lại gửi thư cho nhau một lần. Mỗi lần viết thư, ông kể những chuyện khó khăn trong chiến trường, chuyện phải nhịn ăn mà vẫn phải hành quân, rồi “nhớ nhung đến Thủy ở nhà”.
Thời gian sau đó, bà Thủy “thoát ly”, đi làm việc tại một cơ quan thuộc Ty Thương nghiệp tỉnh Nghệ An. Ông Túc sau thời gian ở chiến trường được cử đi học tại Hà Tây (việc này trùng khớp với những gì bà Liên (Nghiên “gà”) ở Sơn Tây nói, rằng chiều 20/11/1970, có một chú bộ đội còn trẻ, khoác ba lô hỏi thăm đường vào trại giam. Chú ấy tự giới thiệu tên là Túc, người Nghệ An, mới tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, được nhận quyết định về công tác tại trại giam).
Cuộc tình của hai người cứ tiếp diễn như vậy. Nhưng rồi bỗng một ngày cuối năm 1970, khi đang làm việc tại cơ quan, bà Thủy nghe tin sét đánh: ông Túc hy sinh trong một lần bị địch đột kích. Bà bỏ lại công việc, lập tức về quê cùng gia đình ông Túc lo hậu sự.
Tại nhà ông Túc, bà Thủy ôm lấy mẹ ông gào khóc. “Tôi mất một lúc hai người con, vừa con trai vừa con dâu”, bà Thủy nhớ lại những gì mẹ ông Túc nói khi đó.
Sau ngày ấy, bà Thủy qua lại nhà ông Túc như con dâu, gia đình ông Túc cũng đối xử tốt với bà.
Chỉ có điều, dân làng Sen mãi không thấy cô Thủy lấy chồng. Lý do là bởi cô vẫn nhớ đến lời thề từ thủa “thanh mai trúc mã” với người thanh niên Nguyễn Sinh Túc có tài thổi sáo rất hay làm cô mê mẩn.
Năm 43 tuổi, nghĩ đến cảnh sau này tuổi già hiu quạnh, bà Thủy “xin” người đàn ông trong làng một đứa con. “Rồi tôi có thai và sinh một cháu gái, nay đã lập gia đình. Tôi sống với con gái từ đó tới nay”, người đàn bà vốn chịu nhiều khổ đau nhưng nay có vẻ những khổ đau ấy đã được hóa giải trong lòng, nói với vẻ thanh thản.
Bà tâm sự thêm với chúng tôi: “Nhiều lúc nhớ tới ông Túc, muốn đưa di ảnh về thờ cúng nhưng trước đây dù gì cũng chưa từng cưới hỏi nên lại không dám. Tình yêu ngày xưa cũng không hề có kỷ vật gì còn sót lại”.
Quý độc giả có thông tin về liệt sỹ và thân nhân liên quan đến vụ tập kích Sơn Tây ngày 21/11/1970 xin bình luận vào ô "Bình luận" ở cuối bài. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn và sẽ tiếp tục tìm kiếm, thông tin đến quý độc giả trong thời gian sớm nhất.
Nguồn: Vietbao