Trên thế giới từng xuất hiện rất nhiều thần đồng với trí tuệ thiên bẩm. Tuy nhiên, khi trưởng thành, không phải thần đồng nào cũng thành công. Dưới những áp lực, đánh giá của dư luận xã hội, nhà trường và sự nuôi dạy sai cách của gia đình, rất nhiều thần đồng đã hóa... người bình thường.
Trường hợp tiêu biểu nhất có thể kể đến Ngụy Vĩnh Khang, thần đồng Trung Quốc từng vào đại học năm 13 tuổi, học nghiên cứu sinh năm 17 tuổi, nhưng sau đó bị đuổi học vì không biết chăm sóc bản thân. Năm 2021, Ngụy Vĩnh Khang qua đời vì bạo bệnh ở tuổi 38.
So với Ngụy Vĩnh Khang, một thần đồng khác của Trung Quốc có cuộc sống bi kịch hơn nhiều. Đó là Lâm Gia Văn, thần đồng nhảy lầu tự tử ở tuổi 18.
Xuất bản 2 cuốn sách khi chưa đầy 18 tuổi
Lâm Gia Văn sinh năm 1998 trong một gia đình khoa bảng ở Tây An. Bố mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại của cậu đều là giáo viên. Chịu ảnh hưởng của gia đình, Lâm Gia Văn đọc thơ và sách từ khi còn nhỏ và tôi luyện cho mình nội hàm phong phú.
Khi còn học tiểu học, Lâm Gia Văn đã thích tìm hiểu về lịch sử và luôn đặt ra câu hỏi cho bố mẹ, ông bà. Nhận thấy tiềm năng học tập của con, bố mẹ Lâm Gia Văn sớm có những định hướng, bồi dưỡng. Lên cấp THCS, Lâm Gia Văn đã tự viết một cuốn sách dài hơn 300.000 từ, với nội dung cực kỳ sâu sắc. Cuốn sách khiến cha mẹ Lâm vô cùng kinh ngạc, phải xác nhận mấy lần mới dám chắc chắn là do chính con trai viết.
Thần đồng Lâm Gia Văn.
Cuốn sách sau đó được xuất bản, nhưng danh tính của Lâm Gia Văn được giấu kín. Các nhà sử học đã rất ngỡ ngàng trước nội dung cuốn sách và đánh giá cao trình độ của người viết. Một giáo sư sử học còn nhận xét, đây chắc chắn là sách do một tiến sĩ viết ra.
Được biết Lâm Gia Văn rất khiêm tốn. Dù tài năng nhưng cậu không kiêu căng và không muốn trở thành tâm điểm của truyền thông. Khi phía nhà xuất bản muốn công bố thông tin cá nhân của Lâm Gia Văn, cậu đã từ chối và cho biết, mình chỉ muốn yên lặng học tập, nghiên cứu.
Trong thời gian học THCS, tài hoa, khối kiến thức khủng và khả năng phân tích sắc bén các vấn đề, sự kiện lịch sử của Lâm Gia Văn đã khiến cậu được giáo viên và bạn bè công nhận, trở thành ngôi sao sáng ở trường.
Cũng trong thời gian học THCS, Lâm Gia Văn đã xuất bản thêm một cuốn sách khác có tên "Nỗi buồn và niềm vui cho thế giới", gây chấn động làng văn học Trung Quốc. Một lần nữa dư luận nhận định "Điều này chắc chắn được viết bởi một học giả có trình độ cao".
Vì lợi ích của nhà trường và phụ huynh, Lâm Gia Văn đã chọn tiết lộ danh tính. Khi dư luận biết tác giả 2 cuốn sách đình đám còn chưa được 19 tuổi, đã có rất nhiều lời khen ngợi, cảm thán và cả nghi ngờ.
Sự nổi tiếng bất chợt khiến Lâm Gia Văn buồn vui lẫn lộn. Cậu vui vì nỗ lực của mình được công nhận, nhưng cũng lo lắng vì chịu nhiều sự nghi ngờ. Càng nổi tiếng, Lâm Gia Văn càng phải chịu nhiều áp lực.
Nguồn: Vietbao