Qatar thu lại gì từ 'ván cược World Cup' trăm tỷ USD

FIFA dự báo thu về 4,7 tỷ USD, phần lớn trong số đó đến từ kỳ World Cup ở Qatar. Với chi phí hoạt động khoảng 1,7 tỷ USD, cơ quan này có thể rời đi với doanh thu ròng 3 tỷ USD. "Còn Qatar thì thua lỗ", ông Zimbalist chia sẻ.

Câu hỏi đặt ra là liệu World Cup có mang lại lợi ích kinh tế tiềm năng cho Qatar trong dài hạn. IPA Qatar - cơ quan xúc tiến đầu tư của đất nước - cho rằng sự tăng trưởng trong ngành công nghiệp thể thao có thể giúp Qatar thu hút FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Nhưng theo phân tích của Investment Monitor, FDI ở các nước chủ nhà của 3 kỳ World Cup gần nhất - Nga, Brazil và Nam Phi - đều giảm trong vài năm sau giải đấu.

"Hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy việc tổ chức một sự kiện thể thao lớn giúp thúc đẩy FDI", ông Zimbalist lập luận.

Ông thậm chí còn hoài nghi về việc Qatar có thể thúc đẩy du lịch nhờ World Cup. Phòng Thương mại và Công nghiệp Qatar đã tuyên bố rằng nước này sẽ đón 6,24 triệu khách du lịch vào năm 2028, với chi tiêu đạt 28 tỷ USD, tăng trung bình 9,1% mỗi năm.

Nhưng ông Zimbalist cho rằng dựa vào câu chuyện của những nước chủ nhà khác, rất ít bằng chứng cho thấy World Cup sẽ thúc đẩy du lịch một cách bền vững.

Cải thiện hình ảnh

Ông John McManus - tác giả cuốn Inside Qatar - thừa nhận rằng rất khó để Qatar thu được lợi ích kinh tế đáng kể từ World Cup. Nhưng so với các nước chủ nhà trước đó, Qatar có thể hưởng lợi nhờ được cải thiện hình ảnh trên thế giới.

"Tôi tin rằng nhiều người chưa từng nghe tới Qatar trước khi nước này giành quyền đăng cai World Cup", ông nhận định.

"Việc đăng cai World Cup sẽ giúp củng cố hình ảnh của Qatar", ông Giorgio Cafiero - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn rủi ro Gulf State Analytics (có trụ sở tại Washington) - bình luận.

"Sự kiện sẽ thể hiện Qatar là một nước có tư duy cầu tiến, tiến bộ, hướng ngoại và cam kết gắn kết người với người", ông nói thêm.

Thập kỷ tới là giai đoạn then chốt với các nước phụ thuộc vào nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch như Qatar. Nhiều quốc gia và doanh nghiệp đã xác định năm 2023 là thời điểm bắt đầu giảm mức tiêu thụ năng lượng. Một số nước cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm các giải pháp thay thế để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.

Trong ngắn hạn, những quốc gia như Qatar sẽ hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga - Ukraine. Là một trong những nước xuất khẩu LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng) hàng đầu, Qatar có thể kiếm bộn từ nhu cầu ngày càng gia tăng của châu Âu.

Nhưng xung đột cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các quốc gia nhập khẩu dầu khí về an ninh năng lượng, thúc đẩy họ giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Và Qatar muốn cải thiện hình ảnh, để thế giới không chỉ nhớ tới họ như một quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch.



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn