Với các quốc gia thành viên EU, bức tranh lại khác. "Các nước Đông Âu, Baltic và Scandinavia nhìn chung minh bạch khi công khai số lượng hạng mục và tổng giá trị các gói viện trợ quân sự. Trong cùng hạng mục, các quốc gia như Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha rất mờ mịt", ông nói thêm.
Vấn đề đau đầu hiện này là ở Đức, quốc gia đầu tàu kinh tế và cả chính trị của châu Âu. Nguyên nhân chủ yếu là do Berlin đã bàn giao thiết bị quân sự từ các kho dự trữ đã ngừng hoạt động hoặc xóa sổ từ lâu và do đó không có đánh giá giá trị hiện tại.
Ví dụ, Đức cung cấp vũ khí hạng nặng như thiết bị chống tăng và tên lửa phòng không, nhưng cũng cung cấp những loại nhẹ hơn như súng máy, lựu đạn cầm tay và các loại đạn dược khác.
Một mặt, vật liệu quân sự hỗ trợ cho Ukraine lấy từ kho dự trữ của quân đội Đức (Bundeswehr) và mặt khác là lấy từ kho công nghiệp do chính phủ liên bang tài trợ.
Các nhà chức trách cung cấp một cái nhìn tổng quan chi tiết về việc giao hàng trên trang web, mặc dù có cảnh báo trước.
"Các quốc gia như Đức cung cấp danh sách chi tiết về số lượng các mặt hàng đã cam kết và đã giao, nhưng không có rõ giá trị các mặt hàng này", ông Frank nói.
Theo ông, điều này khiến công việc nghiên cứu chi tiết gặp rất nhiều khó khăn vì một số mặt hàng do Đức gửi đến là hàng dự trữ của Bundeswehr, vốn đã được sử dụng hơn 10 năm, khiến việc ước tính mức giá tốt nhất là gần như là không thể.
Mỹ vẫn là quốc gia hỗ trợ nhiều nhất
Không có gì ngạc nhiên khi Mỹ đã cung cấp hỗ trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine với một biên độ đáng kể, dựa trên số liệu của IfW.
Cho đến nay, nước đóng góp viện trợ quân sự lớn nhất là Mỹ với 22,86 tỷ euro (24,37 tỷ USD). Anh đứng thứ hai với 4,13 tỷ euro (4,4 tỷ USD), ông Frank cho biết.
Trong khi đó, Đức đứng thứ ba sau Mỹ và Anh về dòng viện trợ quân sự, với 2,34 tỷ euro (2,49 tỷ USD) cho đến nay.
Anh và Đức là hai quốc gia hỗ trợ lớn nhất của châu Âu. Theo IfW, các quốc gia thành viên EU đã cung cấp tổng cộng 8,61 tỷ euro (9,18 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Ukraine.
Viện trợ từ phương Tây có "tác động không thể phủ nhận" bởi những cam kết của các nước châu Âu không chỉ nằm ở việc hỗ trợ quân sự.
"Nếu tính bao gồm cả Cơ sở Hòa bình châu Âu, một chương trình hoàn trả quân sự do EU điều hành, thì tổng hỗ trợ quân sự của EU sẽ tăng thêm 3,1 tỷ euro (3,3 tỷ USD) lên mức tổng là 11,71 tỷ euro (12,48 tỷ USD). Điều này bao gồm các cam kết cho đến ngày 20.11", chuyên gia Frank lưu ý thêm.
Cũng theo IfW, nếu xét về hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo, châu Âu hỗ trợ Ukraine tổng cộng 55 tỷ USD, còn Mỹ là 51 tỷ USD.
Với những con số viện trợ khổng lồ, có nhiều câu hỏi đặt ra về việc liệu các gói hỗ trợ có thể tiếp tục duy trì trong năm 2023 hay không, đặc biệt là khi tại Mỹ, đảng Cộng hòa đã kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua.
Nguồn: Vietbao