'Điều tối kỵ với người làm phim là không thấy hồn Việt'

Một bộ phim remake thành công, thì đó là do tác phẩm gốc hay, nhưng bộ phim remake chưa thành công, đó là phá nát nguyên tác.

Trên thực tế, tôi đã gặp trường hợp nhiều khán giả không hề xem bản gốc nhưng mang sẵn định kiến với tác phẩm mới, “bịa” ra rất nhiều phiên bản gốc khác nhau để so sánh với bản phim remake. Tất nhiên đây chỉ là một bộ phận nhỏ, chúng tôi vẫn nhận được sự quan tâm ủng hộ và đồng hành của phần lớn khán giả nên remake đến hiện tại vẫn được chuộng.

Remake không hề dễ dàng. Mỗi bộ phim ra đời đều mang đậm dấu ấn bản địa của đất nước nơi nó sinh ra. Người làm phim phải mất quá trình tìm hiểu đời sống văn hóa, xã hội, con người trong bộ phim gốc, từ đó mới có sự “dịch chuyển” phù hợp qua tác phẩm mới. Làm lại một bộ phim của nước ngoài nhưng điều tối kỵ nhất với người làm phim Việt Nam là xem phim không thấy hồn Việt ở đó.

Đối với sự chuyển ngang cùng bối cảnh thời đại, chuyện này đã khó, có những bộ phim được remake lại sau hàng chục năm, vài chục năm, bối cảnh xã hội, con người đều đã khác còn khó hơn. Về cơ bản, dòng phim tâm lý xã hội, gia đình, tình yêu được đánh giá là dễ remake hơn nhưng chúng ta cũng thấy, quan niệm về tình yêu, hôn nhân của người phương Tây khác, Hàn Quốc khác, Nhật khác… Quan niệm đó sẽ ảnh hưởng đến từng chi tiết hành động, đến lựa chọn của từng nhân vật trong phim. Để hợp lý hóa được tình huống đó đã là khó khăn không nhỏ.

Đó là chưa kể đến những bộ phim có đề tài liên quan đến ngành nghề, những bộ phim có yếu tố chính trị, pháp luật, hầu như các tình huống trong phim phải “sáng tác” lại toàn bộ, cái giữ được chủ yếu là các mốc sự kiện và hồ sơ nhân vật.

Một khó khăn khác nữa của công tác remake ở Việt Nam, đó là việc sản xuất. Như chúng ta đã biết, để bộ phim được chọn remake lại, phần lớn đều là những tác phẩm có tiếng vang. Và đến nay, những phim Việt hóa đều được mua lại từ những đất nước có nền truyền hình, công nghệ làm phim tiên tiến, hiện đại hơn chúng ta nhiều.

Những thứ họ có từ tài chính, điều kiện sản xuất đa phần đều cao hơn chúng ta, đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp cũng đông đảo hơn chúng ta. Làm lại bộ phim trong bối cảnh điều kiện sản xuất của bản gốc cái gì cũng hơn chúng ta, để hay hơn bản gốc, hoặc ít nhất là thu hút hơn bản gốc chắc chắn áp lực, thử thách đối với người làm phim là hoàn toàn không nhỏ.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc remake phim là dấu hiệu cho thấy sự cạn kiệt về mặt ý tưởng. Nếu phủ định điều này thì câu hỏi đặt ra là vậy tại sao chúng ta không sáng tác tác phẩm mới mà lại làm lại tác phẩm của người khác. Từ góc độ của người làm nghề, tôi cho rằng, bản thân thường không quá hứng thú với remake kịch bản.

Ý tưởng remake thường đến từ nhà đầu tư, nhà sản xuất và chúng tôi ban đầu thực hiện công việc này xuất phát từ yêu cầu của nghề nghiệp. Tuy nhiên không thể nói rằng, trong quá trình sáng tác lại đó, chúng tôi không tìm được sự hứng thú. Việc tìm ra chìa khóa để đưa một tác phẩm nước ngoài thành một bộ phim mang đậm hơi thở Việt Nam, biến câu chuyện xa lạ thành câu chuyện của mình cũng là quá trình kích thích và đầy thử thách về mặt nghề nghiệp.



Nguồn: Vietbao

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn