Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 4/1 cũng đã chỉ trích định nghĩa của chính quyền Bắc Kinh về số ca tử vong do Covid-19. WHO nhấn mạnh số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc về số ca nhập viện và tử vong do mắc Covid-19 là “thiếu thực tế”.
Do đó, ông Flahault khẳng định giám sát nước thải có thể giúp các nước hiểu hơn về tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc.
“Biết được 30 - 50% hành khách đến từ Trung Quốc đang bị nhiễm bệnh là thông tin hữu ích, trong trường hợp không có số liệu đáng tin cậy”, ông Flahault nói.
Việc giám sát nước thải còn giúp các nước tìm hiểu về những biến thể mới tiềm ẩn nguy cơ làm thay đổi quỹ đạo của đại dịch, giống như những gì biến chủng Omicron đã làm vào cuối năm 2021.
Bởi theo các chuyên gia y tế, sự bùng nổ ca bệnh trong dân số 1,4 tỷ người tại Trung Quốc có thể là mảnh đất màu mỡ cho các biến chủng mới.
Ngoài ra, giám sát nước thải dễ thực hiện hơn nhiều so với việc kiểm tra từng hành khách đến sân bay. Nhưng mặt hạn chế là nước thải trên máy bay chỉ giám sát được những hành khách sử dụng nhà vệ sinh trong quá trình bay. Đáng nói, quá trình thu thập, kiểm tra, sắp xếp và phân tích các mẫu nước thải cũng mất nhiều ngày.
Trong khi đó, Bỉ, Canada, Áo và Australia hiện nằm trong số các quốc gia ra thông báo sẽ làm xét nghiệm nước thải trên các máy bay từ Trung Quốc. Truyền thông Mỹ cho biết nước này cũng đang cân nhắc biện pháp làm xét nghiệm nước thải trên máy bay.
Hôm 4/1, Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng “khuyến khích mạnh mẽ” các quốc gia thành viên áp đặt yêu cầu làm xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành đối với hành khách đến từ Trung Quốc. Một số nước như Mỹ cũng đã yêu cầu hành khách đến từ Trung Quốc cần cung cấp kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.
Hiện tại, số ca mới mắc Covid-19 đang tăng nhanh tại Trung Quốc kể từ tháng 12/2022, thời điểm chính quyền Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng chính sách “Zero Covid”.
Minh Thu
Nguồn: Vietbao